Báo cáo cho thấy, UAE gần đây đã tăng cường khung pháp lý để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, là một trong những trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu, UAE phải hành động khẩn cấp hơn nữa để ngăn chặn hiệu quả các dòng tài chính bất hợp pháp.

Theo FATF, các biện pháp của UAE là chưa đủ. Còn tồn tại một số yếu điểm lớn trong khuôn khổ chống rửa tiền. Đặc biệt là cách tiếp cận thiếu khoa học của hoạt động đăng ký doanh nghiệp, khiến cho các cơ quan thực thi pháp luật gặp khó trong việc tìm ra ai là người thực sự đứng đằng sau một công ty đang bị nghi vấn tại các tiểu vương quốc.

Có tới 39 cơ quan đăng ký doanh nghiệp khác nhau hoạt động trên phạm vi 7 tiểu vương quốc. FATF cho rằng, điều này có thể giúp UAE phát triển các khu vực tự do khác nhau, tuy nhiên, lại mang tới những rủi ro đáng kể khi giải quyết các vụ phạm tội được thực hiện ở nước ngoài, nhưng chính quyền không sử dụng đủ các quy trình hỗ trợ pháp lý quốc tế chính thức để theo đuổi hoạt động chống rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố...

Trong khi đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho rằng, một hệ thống hoạt động hiệu quả để giải quyết tội phạm tài chính là chỉ có duy nhất một cơ quan đăng ký doanh nghiệp trung tâm.

Ở một khía cạnh khác, ngành xây dựng và bất động sản của UAE những năm qua có sự phát triển bùng nổ, chiếm tới 1/5 GDP của các tiểu vương quốc. Song song với đó lại là nguy cơ rửa tiền hiện hữu. Những cấu trúc sở hữu phức tạp có thể được sử dụng để che khuất danh tính của những người mua các tài sản đó, cũng như thông tin về dòng tiền của họ đến từ đâu.

Mặc dù UAE có vai trò là một trung tâm quốc tế lớn về tài chính, thương mại, nhưng FATF cho rằng, các nhà chức trách nước này không hợp tác hiệu quả với các đối tác quốc tế. Điều này có thể khiến UAE trở thành một điểm hấp dẫn cho tội phạm tài chính, giúp chúng "hoạt động, duy trì số tiền bất hợp pháp hoặc sử dụng như một nơi trú ẩn an toàn".

Trong khi, UAE đã đạt được những kết quả tích cực trong việc điều tra và truy tố tài chính cho khủng bố, nhưng số lượng hạn chế các vụ truy tố và kết án rửa tiền, đặc biệt là ở Dubai, lại là mối lo ngại lớn. Các nhà chức trách nước này đã không khai thác triệt để thông tin tài chính để tìm kiếm số tiền đã "rửa" hay truy tìm các khoản tiền bẩn từ tội phạm.

FATF cũng thêm một lần xác nhận những điều mà các nhà báo điều tra, các nhà hoạt động chống tham nhũng và những người tố giác đã nói trong nhiều năm: UAE là một mảnh ghép quan trọng trong bài toán chống rửa tiền toàn cầu. Đây là quốc gia "nhạy cảm" với hoạt động rửa tiền, với nhiều lần được gọi tên trong các vụ bê bối tham nhũng xuyên biên giới.

Chúng ta cùng nhìn lại một số bê bối lớn nhất trong những năm gần đây có liên quan tới UAE.

Vụ rò rỉ Luanda (Luanda Leaks)

Tháng 1 năm nay, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã tiến hành một cuộc điều tra lớn, lật tẩy hành vi đánh cắp hàng trăm triệu USD từ ngân sách của Isabel dos Santos - con gái cựu Tổng thống Angola, được mô tả là người phụ nữ giàu nhất châu Phi.

"Luanda Leaks" tiết lộ cách mà Isabel dos Santos đã sử dụng một mạng lưới những công ty nước ngoài (trong đó có công ty ở Dubai, UAE), tận dụng các mối quan hệ và vị trí lãnh đạo của mình ở Công ty Dầu khí quốc gia Sonangol, biển thủ hàng trăm triệu USD.

Trong nhiều tháng của năm 2017, Isabel dos Santos bị cáo buộc đã chuyển ít nhất 115 triệu USD ngân khố từ Công ty Sonangol sang một công ty nước ngoài là Matter Business Solutions, ở Dubai. Công ty này được kiểm soát bởi một người bạn thân, cũng là đối tác kinh doanh của cô - Paula Oliveira.

Paula được coi là người được ủy quyền của Isabel, không phải là người thụ hưởng cuối cùng của công ty. Tuy nhiên, tại thời điểm Matter Business Solutions được thành lập, theo quy định pháp luật, chính quyền Dubai không bắt buộc phải ghi vào hồ sơ về chủ sở hữu thực sự của công ty hay thậm chí, đặt câu hỏi về người thụ hưởng thực tế.

Giao dịch không được cảnh báo bởi Ngân hàng Nhà nước UAE - NBD Bank - nơi Matter Business Solutions nhận tiền.

Một ngày sau khi Isabel dos Santos bị cách chức khỏi Hội đồng quản trị của Sonangol, Giám đốc Tài chính Sarju Raikundalia - người được gọi là "người cuối cùng của Isabel" còn ở lại công ty, đã yêu cầu chuyển 3 khoản tiền trị giá gần 58 triệu USD cho cùng một công ty được đăng ký ở Dubai.

Bê bối Fishrot

Tháng 11/2019, Wikileaks và các nhà báo điều tra đã công bố những tài liệu cho thấy, Tập đoàn Nghề cá Iceland Samherji bị cáo buộc đã hối lộ 10 triệu USD cho các quan chức Chính phủ ở Namibia để bảo đảm ưu đãi trong ngư trường sinh lợi ở Đại Tây Dương.

Các khoản hối lộ được báo cáo là được trả cho một công ty vỏ bọc ở Dubai là Tundavala Investments Limited, thông qua 2 công ty cổ phần thuộc Samherji ở  Cộng hoà Síp.

Tundavala Investments thuộc sở hữu của James Hatuikulipi - cựu Chủ tịch Fishcor - một công ty Nhà nước của Namibia, chuyên phân phối hạn ngạch nghề cá.

Tương tự trường hợp của Isabel dos Santos, các khoản thanh toán đáng ngờ đã được thực hiện dưới vỏ bọc "phí tư vấn". Thu nhập duy nhất của Công ty Tundavala chỉ là khoản tiền gửi của các công ty cổ phần thuộc Samherji.

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Namibia tiết lộ rằng, các tài sản liên quan đến vụ việc không chỉ bao gồm những tài khoản ngân hàng, mà còn có cả bất động sản ở Dubai. Ủy ban Chống tham nhũng Namibia đã tuyên bố, họ đang tìm cách thu hồi giá trị của 21 tài sản trong UAE liên quan đến 6 quan chức tại vụ bê bối.

Thị trường bất động sản Dubai

Thị trường bất động sản Dubai là một khu vực kinh tế quan trọng của UAE. Chỉ riêng năm 2019, đã thu hút được 80 tỷ AED (21,7 tỷ USD), thông qua 41.000 khoản đầu tư bất động sản của hơn 31.000 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Sự bí mật và các khoản phí gần như bằng không của ngành bất động sản đã khiến đây trở thành khu vực hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư giàu có (gần 5.000 triệu phú đã cư trú tại UAE trong năm 2017), mà còn cho cả tội phạm tham nhũng và tội phạm khác từ các quốc gia.

Nhiều vụ việc cho thấy, bất động sản cao cấp ở UAE đã mang đến "bãi đậu" cho một khối tiền lớn mà không cần phải tiết lộ nguồn gốc dòng tiền.

Chẳng hạn, Dubai là nơi được nhiều cá nhân giữ chức vụ chính trị quan trọng (PEP) của Nigeria chọn mua bất động sản cao cấp. Một tài liệu rò rỉ đã tiết lộ 800 tài sản có trị giá 400 triệu USD liên quan đến 334 PEP của Nigeria và các thành viên gia đình, cộng sự cùng những người đại diện khác của họ.

Cũng theo tài liệu rò rỉ, 6 PEP của Armenia sở hữu nhiều căn hộ cao cấp ở Dubai. Một trong số đó là thành viên của Nghị viện, bị phát hiện sở hữu căn hộ trị giá khoảng 350.000 USD, trong khi tiền lương tháng của người này chỉ 1.350 USD.

Vụ 1MDB

Ước tính hơn 4 tỷ USD đã bị biển thủ từ 1MDB - Quỹ Đầu tư Nhà nước Malaysia có mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Malaysia thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, bằng mạng lưới các công ty vỏ bọc và nhiều lớp giao dịch, hàng tỷ USD tiền dành cho phát triển đất nước đã được chi cho bất động sản xa xỉ ở New York, những bức họa và quà tặng đắt tiền cho những người nổi tiếng...

Tâm điểm của bê bối là cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người đang bị xét xử về các cáo buộc liên quan tới lạm dụng tín nhiệm, lạm dụng quyền lực và rửa tiền. Các cán bộ chống tham nhũng Malaysia đã công bố những bản ghi âm, trong đó cựu Thủ tướng Razak đề nghị Hoàng tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan, giúp đỡ trong việc tạo một thỏa thuận cho vay để che giấu các khoản tham ô từ Quỹ 1MDB.

Một số khuyến nghị

Có một số bước mà UAE có thể thực hiện để chấm dứt tình trạng trở thành điểm đến được lựa chọn của những âm mưu tham nhũng xuyên quốc gia. Đó là:

1. Minh bạch cấu trúc của các công ty không rõ ràng

UAE gần đây đã thực hiện những thay đổi đối với các quy tắc chống rửa tiền, bao gồm biện pháp thu thập thông tin về cá nhân thực sự đứng đằng sau các công ty được thành lập ở nước này.

Đây là một bước quan trọng, nhưng cải cách này sẽ không hiệu quả nếu các lỗ hổng quan trọng không được đóng lại. Bởi, tại đây, vẫn còn dễ dàng để "ẩn mình" đằng sau những cấu trúc sở hữu phức tạp, hoặc cung cấp thông tin sai lệch. Và đặc biệt, bởi các quy tắc hiện hành đang được áp dụng không thống nhất trên các tiểu vương quốc và các khu vực tự do khác nhau của UAE.

UAE cần tập trung dữ liệu công ty và quyền sở hữu lợi ích trong một sổ đăng ký doanh nghiệp duy nhất và công khai với công chúng, bảo đảm nhà báo và xã hội dân sự có thể kiểm tra chéo, xác thực thông tin về chủ sở hữu thực sự của các công ty.

Và, vì các công ty được thành lập trên toàn UAE thường được sử dụng trong các kế hoạch xuyên biên giới, nên việc mở sổ đăng ký doanh nghiệp cũng nên cho phép các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài có quyền truy cập vào thông tin cần thiết để phát hiện tội phạm.

2. Bảo đảm những người hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khoản thanh toán

Ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, luật sư, kế toán và đại lý bất động sản đóng vai trò quan trọng là những người "gác cổng" cho ngành tài chính, vì chính họ là những người có vị trí đặc biệt để phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho nhà chức trách.

UAE cần bảo đảm rằng, các chuyên gia này đang nỗ lực để ngăn chặn dòng tiền bẩn vào và ra khỏi đất nước, ví dụ, bằng cách xác định những người hưởng lợi thực sự của các công ty và nguồn vốn.

Các nhà chức trách ở UAE cũng cần xử phạt những người không hành động như vậy và điều tra, trừng phạt các trường hợp đồng lõa.

3. Chủ động làm việc với các đối tác quốc tế để phát hiện, điều tra hoạt động rửa tiền liên quan đến tham nhũng

Các nhà chức trách ở UAE cần chủ động chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác trong các cuộc điều tra xuyên biên giới liên quan đến các công ty và tài sản tại UAE. Họ cần nâng cao hiểu biết và kiến thức về rủi ro rửa tiền liên quan đến tham nhũng được thực hiện bên ngoài UAE cũng như cải thiện khả năng của bản thân để hỗ trợ các loại điều tra này.

Hoài Phương