Ông Volkan Bozkir nói: “Chúng ta không thể lấy cớ rằng không có gì là vấn đề trước đại dịch COVID-19... Tội phạm tài chính xuyên quốc gia và tham nhũng rất phổ biến trong thế giới liên kết, phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta”.

Ông Bozkir nói rằng, vấn nạn này ảnh hưởng đến các quá trình ra quyết định và “vẫn là một trong những thách thức gay go nhất đối với các quốc gia, tổ chức và cộng đồng”.

Gây thiệt hại cho xã hội

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu ra những hậu quả tiêu cực của tham nhũng, từ ăn mòn lòng tin của công chúng đến làm suy yếu nhà nước pháp quyền và phá hoại các nỗ lực xây dựng hòa bình, ảnh hưởng tới quyền con người.

Nó đánh mạnh vào đối tượng người nghèo, những người bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương và “cản trở sự tiến bộ” đối với bình đẳng giới cũng như tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

“Chúng ta không thể để tình trạng tham nhũng tiếp diễn”, ông Bozkir nói.

Tăng gấp đôi nỗ lực

Ông Bozkir nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch dựa trên những tiến bộ hiện có, bao gồm thông qua các công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tham nhũng; các hội nghị quốc tế về tài trợ cho phát triển, dẫn đến Chương trình Hành động Addis Ababa; Hội đồng Cấp cao về trách nhiệm giải trình, minh bạch và liêm chính tài chính quốc tế để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 (FACTI) và, Tuyên bố Chính trị của UNGASS nhằm giải quyết tham nhũng, được xây dựng dựa trên kiến trúc hiện có để cung cấp cho cộng đồng quốc tế “một lộ trình cho tương lai”.

“Nó sẽ hướng dẫn các quốc gia thành viên trong việc chống tham nhũng và rửa tiền, cũng như các nỗ lực quan trọng để thu hồi tài sản và ngăn chặn các dòng tài chính bất hợp pháp” - những yếu tố làm chệch hướng tiến độ của các SDG, ông Bozkir nói.

leftcenterrightdel

Các giải pháp phòng, chống tham nhũng đang được thảo luận tại Liên hợp quốc. Ảnh: Unsplash / Nathaniel Tetteh 

Tham nhũng nuôi dưỡng khủng hoảng

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố: “Tham nhũng phát triển mạnh trong cuộc khủng hoảng", đồng thời lưu ý rằng, các tác nhân tham nhũng đã khai thác sự căng thẳng chưa từng có mà đại dịch COVID-19 đã gây ra đối với các chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các hệ thống trên khắp thế giới.

Trong bối cảnh nỗ lực triển khai vắc xin toàn cầu còn phức tạp, ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách “tận dụng phiên họp đặc biệt này” để thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và giải quyết tham nhũng bằng cách bịt các kẽ hở và áp dụng các biện pháp bảo vệ.

“Chúng ta phải học hỏi từ trải nghiệm này vì cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ đến, và chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó khi nó xảy ra”, ông Bozkir cho biết và đề cập đến sự kiện hỗ trợ cấp cao vào ngày 3/6 về giải quyết tham nhũng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ông nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục thích ứng với những thách thức mới và đang nổi lên, gọi Phiên họp đặc biệt là “thời điểm quan trọng để kích hoạt phản ứng toàn diện, đa bên” với vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và các tổ chức khác.

“Chúng ta sẽ không thể phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này nếu không có nỗ lực phối hợp để chấm dứt tham nhũng... Mỗi quốc gia thành viên và mỗi cá nhân có trách nhiệm cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tôn trọng pháp quyền, không có ngoại lệ", ông kết luận.

Thiếu giám sát dẫn đến các dòng tài chính bất hợp pháp

Trong phát biểu khai mạc Phiên họp đặc biệt, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed nói rằng, hoạt động kinh doanh như thường lệ không còn được chấp nhận và các chính phủ trong tương lai phải cam kết xóa bỏ tham nhũng, thúc đẩy pháp quyền trên mọi phương diện.

Trong khi viện dẫn việc thiếu giám sát đã dẫn đến các dòng tài chính bất hợp pháp, bà Mohammed lưu ý, mọi người đã chán ngấy các tổ chức công từ chối trách nhiệm giải trình và thúc đẩy sự miễn trừ trừng phạt.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed phát biểu khai mạc Phiên họp đặc biệt. Ảnh: UN Photo/ Xinhua

Bà Mohammed cũng nói rằng, tham nhũng bao hàm những bất công và bất bình đẳng.

“Tham nhũng tác động không tương xứng đến phụ nữ bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực công, thông tin và việc ra quyết định”. Tham nhũng "tạo điều kiện cho tội phạm có tổ chức, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững… [và] tạo điều kiện cho các dòng tài chính bất hợp pháp, các thiên đường thuế", Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói.

Bà khẳng định, Phiên họp đặc biệt về chủ đề chống tham nhũng của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 có thể xây dựng lại niềm tin của công chúng vào những lời hứa của SDG, giúp củng cố khế ước xã hội và giữ cho các mục tiêu của Thập kỷ Hành động có thể đạt được trong tầm tay.

Kiềm chế tham nhũng, tài trợ cho các SDG

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Munir Akram cho biết, tham nhũng ngăn cản cơ hội cho người nghèo và bị thiệt thòi, làm gia tăng bất bình đẳng và bòn rút các quỹ phát triển, đồng thời xác nhận khuyến nghị của FACTI về một cơ chế mới để theo dõi và giải quyết các dòng tài chính bất hợp pháp, tham nhũng và hối lộ.

Nhấn mạnh nhu cầu hành động toàn cầu khẩn cấp, ông Akram tuyên bố rằng, kiềm chế tham nhũng có thể mang lại doanh thu thuế lên tới 1 nghìn tỷ USD - khoản tiền có thể được sử dụng cho đầu tư công liên quan đến SDG.

G7 hoan nghênh Tuyên bố UNGASS

Các bộ trưởng từ tổ chức liên chính phủ G7 hoan nghênh Tuyên bố UNGASS và cam kết đạt được các mục tiêu thông qua những biện pháp ngăn ngừa tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, thực thi luật chống tham nhũng, từ chối nơi trú ẩn an toàn cho các cá nhân tham nhũng trong khi ủng hộ quản trị dân chủ và các quyền tự do cơ bản.

“Chúng tôi kiên quyết nhắc lại tầm quan trọng của sự lãnh đạo thống nhất và mạnh mẽ trong việc giải quyết tham nhũng” và cam kết tiếp tục “thúc đẩy tiến bộ trong chương trình nghị sự quan trọng này”, theo G7.

Hoài Phương