Thế giới đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có: Một đại dịch toàn cầu, sự nóng lên của trái đất, sự bất bình đẳng sâu sắc mang tính cấu trúc… tất cả trở nên tồi tệ hơn bởi vấn nạn tham nhũng cố hữu.

Và, những hành vi bất hợp pháp đã, đang, sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng được đưa ra ánh sáng, phần không nhỏ là nhờ vào thông tin hữu ích từ những người thổi còi (whistleblower), nhiều khi, chính là nạn nhân của các hành vi sai trái.

Bằng cách này, những người tố giác đã cứu chính mình và vô số người khác, cũng như cứu được hàng trăm tỷ USD công quỹ. Tuy nhiên, điều vẫn xảy ra, họ phải đối mặt với sự trả thù từ “sếp” của mình, bị sa thải, chịu những thách thức về pháp lý, bị tấn công, danh tiếng bị đe dọa, và thậm chí tổn thương về thân thể.

Ngày Thổi còi thế giới năm nay (World Whistleblowing 2020), ngày 23/6, các tổ chức trên thế giới, trong đó có Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã dành sự quan tâm đặc biệt để vinh danh và kêu gọi sự bảo vệ những người đã đứng lên để chống lại gian lận, lạm dụng và tham nhũng, với mục tiêu, năm 2020, không có lý do gì khiến những người tố giác không được bảo vệ.

Theo bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI, “đã đến lúc tất cả mọi người, từ các công dân bình thường cho tới những người đứng đầu Chính phủ, các lãnh đạo doanh nghiệp, nhận ra tầm quan trọng của những người tố giác, vì lợi ích của xã hội và bảo đảm họ được bảo vệ. Điều này không chỉ đồng nghĩa với một sự thay đổi trong luật pháp, mà còn thay đổi trong văn hóa của Chính phủ, văn hóa doanh nghiệp và tất cả tổ chức”.

Bảo vệ người tố giác để cứu lấy môi trường

Cuộc khủng hoảng khí hậu đặt ra mối đe dọa thảm khốc cho sự thịnh vượng và hòa bình lâu dài của hành tinh chúng ta. Để giải quyết khủng hoảng, các Chính phủ và tổ chức quốc tế đã cam kết hàng tỷ USD cho các quỹ để giảm thiểu tác hại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là các quy tắc, quy định cần thiết để giảm lượng khí thải carbon và thiệt hại về môi trường.

Nhưng, điều gì xảy ra khi các công ty phá vỡ các quy tắc này, hoặc các chính trị gia tham nhũng xà xẻo tiền dùng để giải quyết khủng hoảng khí hậu?

Những người thổi còi đóng vai trò quan trọng trong việc vạch trần những vấn đề ảnh hưởng tới môi trường và tham nhũng trong việc phân bổ các nguồn lực quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, cứu lấy môi trường của chúng ta.

Bảo vệ người tố giác để cứu lấy sự sống

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 đã chỉ ra rằng, trong tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, điều cần thiết là Chính phủ các nước phải cung cấp cho người dân thông tin rõ ràng, chính xác và cập nhật về những nguy hiểm mà người dân gặp phải cũng như các biện pháp cần được thực hiện để bảo vệ chính mình.

Trên thế giới, trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có này, những người tố giác đã có những cảnh báo từ rất sớm và đưa ý kiến về cách xử lý khủng hoảng.

Ngay cả trong điều kiện bình thường, không dịch bệnh, những người thổi còi trong lĩnh vực y tế đã giúp bảo vệ sự sống của nhiều người và ngăn chặn tham nhũng làm suy yếu hệ thống y tế.

leftcenterrightdel
 
 

Bảo vệ người tố giác để cứu lấy công quỹ

Tham nhũng khu vực công lấy đi tương lai bền vững của chúng ta. TI khẳng định, không có mục tiêu phát triển bền vững nào mà các Chính phủ đặt ra vào năm 2030, cho dù là mục tiêu xóa đói giảm nghèo hay xây dựng các thành phố bền vững, có thể đạt được nếu như tham nhũng chưa được dập tắt.

Khi các chính trị gia tham nhũng lạm dụng công quỹ vì lợi ích riêng của mình, những người tố giác đã lên tiếng, cứu lấy công quỹ, bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế.

Bảo vệ người tố giác để cứu doanh nghiệp

Rất nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng, việc nhân viên giữ im lặng trước những hành vi sai trái sẽ giúp họ bảo vệ tiền bạc, lợi nhuận của mình. Đã có nhiều câu chuyện về những người thổi còi bị sa thải, kiện tụng hoặc ngược đãi sau khi đưa vấn đề ra ánh sáng.

Nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Khi tạo được môi trường an toàn để báo cáo các vấn đề nội bộ, các hành động khắc phục được thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp không phải đối mặt với hậu quả tiêu cực, tránh được các khoản phạt tốn kém và những thiệt hại to lớn đối với thương hiệu của họ.

Làm thế nào để giúp đỡ người tố giác?

Theo TI, có một số cách mà tất cả chúng ta có thể thực hiện để hỗ trợ người tố giác. Đó là:

- Ủng hộ các tổ chức - nơi trợ giúp người tố cáo về mặt pháp lý, tài chính, truyền thông và xã hội.

- Chia sẻ những mối quan tâm của người tố cáo, và giúp cho mọi sự chú ý tập trung vào những vấn đề được tiết lộ, chứ không phải bản thân người tố giác hay đời sống riêng tư của họ.

- Thể hiện sự đoàn kết ở mọi nơi, trên đường phố hay trên phương tiện truyền thông xã hội, để những người tố giác biết rằng, họ không đơn độc.

Cũng theo TI, nhiều người trong chúng ta có thể tác động tới nhà tuyển dụng của mình thiết lập các kênh báo cáo bảo mật và có thể truy cập, bảo vệ hiệu quả những người lên tiếng khỏi sự trả thù. Chung tay để tạo nên một nền văn hóa tại nơi làm việc hỗ trợ người tố giác và bảo vệ quyền bảo mật của họ.

Hoài Phương