Trong một bài phát biểu về tham nhũng trong nước, Tổng thống Salih đã thảo luận về dự thảo luật nhằm thu hồi số tiền tham nhũng, nói rằng luật phải cho phép các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa trước, cũng như các bước tiếp theo để thu hồi những khoản tiền bị đánh cắp.

Ông cho biết, những điều này bao gồm hỗ trợ các tổ chức tài chính, giám sát và kích hoạt các công cụ của họ.

Tháng 4 vừa qua, Ủy ban Liêm chính công (CPI) của Iraq thông báo về việc ban hành lệnh bắt giữ và triệu tập đối với 58 quan chức đương nhiệm và cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới, với 21 điểm (trên thang điểm 100), xếp vị trí 160/180 quốc gia về chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2020.

Tình trạng bòn rút thuế quan và hàng nhập lậu đã diễn ra nhiều năm qua ở các cửa khẩu của Iraq, nhưng đến nay chưa có giải pháp ngăn chặn.

Với dân số chỉ hơn 37 triệu người, Iraq là một trong những nước được đánh giá giàu tài nguyên nhất trên thế giới, với trữ lượng dầu mỏ lên tới 140,3 triệu thùng (đứng thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và thứ 5 trên thế giới); sản lượng khai thác dầu mỏ đạt 4,45 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu hơn 3,6 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Iraq còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác, như khí đốt, phốt-phát, lưu huỳnh...

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội của Iraq luôn trong tình trạng khủng hoảng, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên ở Iraq lên tới hơn 40%, hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ.

Iraq là quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, ngành công nghiệp và nông nghiệp không phát triển, do đó nước này chủ yếu nhập khẩu hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân. Chính điều này đã đưa thuế quan trở thành ngành có quyền lợi đặc biệt và trở thành miếng mồi béo bở tranh giành giữa các đảng phái chính trị và các lực lượng vũ trang.

“Các quan chức, đảng phái chính trị, băng đảng và doanh nhân thông đồng với nhau để cướp tài sản nhà nước”, Bộ trưởng Tài chính Iraq Ali Allawi nói.

Bên cạnh đó, một vấn đề nhức nhối khác là tham nhũng bầu cử. Theo Tổng thống Barham Salih: “Tham nhũng bầu cử là nguy hiểm vì nó đe dọa sự bình yên của xã hội và sự toàn vẹn về kinh tế, vì tham nhũng bầu cử và tham nhũng tài chính có mối liên hệ với nhau, không tách rời và không mang tính xây dựng”.

Tháng 11/2020, Tổng thống Iraq Barham Salih đã phê chuẩn Luật Bầu cử Quốc hội nhằm mục đích đảm bảo quyền bầu chọn các đại diện của nhân dân, tránh khỏi sự đe dọa và gian lận.

Tổng thống Salih chỉ ra rằng, các cuộc bầu cử Quốc hội kể từ sau năm 2003 đã chứng kiến nhiều thách thức liên quan đến gian lận và nghi ngờ, là lý do chính khiến các công dân miễn cưỡng đi bầu cử và làm suy giảm niềm tin của họ vào tính hợp pháp của chế độ hiện tại và toàn bộ quá trình bầu cử.

Cuộc bầu cử Quốc hội cách đây 3 năm, được tổ chức vào ngày 12/5/2018, đã chứng kiến tỉ lệ cử tri đi bỏ chỉ đạt gần 45%. Nguyên nhân người dân không thèm đi bỏ phiếu là vì đã quá chán ngán giới chính trị gia tham nhũng và hoảng sợ trước tình hình đất nước rối ren.

Hoài Phương