Cơ hội không thể lãng phí

Trong bối cảnh hiện nay, nếu được sử dụng đúng đắn, phù hợp, nguồn tiền này sẽ tạo cơ hội tuyệt vời để các quốc gia không chỉ ngăn ngừa được dịch bệnh, giảm thiểu số người tử vong và bảo vệ sinh kế của người dân, mà còn giúp tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, bảo đảm công ăn việc làm và phục hồi nền kinh tế. Đây được đánh giá là một cơ hội không thể lãng phí.

Tất cả chúng ta đều mong muốn các Chính phủ sẽ sử dụng tiền vì lợi ích cộng đồng và những kẻ tham lam không được phép khai thác, trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, rủi ro tham nhũng không hề mất đi ngay cả trong cuộc khủng hoảng khốc liệt. Tính minh bạch, ở nhiều nơi, còn chưa được quan tâm đúng mức.

Một lần nữa, khi 83 tỷ USD cứu trợ cho hơn 80 quốc gia của IMF đã sẵn sàng, khi tháng 7 qua đi và đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới 213 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 17,2 triệu người mắc, hơn 670.000 người tử vong, những nhà hoạt động của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tiếp tục kêu gọi các quốc gia sử dụng tiền cứu trợ một cách minh bạch và có trách nhiệm để ngăn chặn việc lạm dụng và giảm thiểu rủi ro tham nhũng, làm suy yếu phản ứng chống dịch.

Trước đó, hồi tháng 4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Nhân chứng Toàn cầu và Minh bạch Quốc tế đã đề nghị hành động khẩn cấp từ IMF để bảo đảm số tiền cứu trợ mà Quỹ trao cho các quốc gia thành viên được sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cứu sống con người và hỗ trợ sinh kế.

Giám đốc Điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, đã đáp lại với một thông điệp rõ ràng gửi tới các Chính phủ nhận hỗ trợ tài chính COVID-19, nhấn mạnh sự minh bạch và trách nhiệm trong thời điểm khó khăn này.

Cũng kể từ đó, TI đã thực hiện giám sát những thỏa thuận tài trợ của IMF với thành viên của mình, trong đó đặc biệt quan tâm tới các biện pháp minh bạch và chống tham nhũng.

Phân tích 120 thỏa thuận hỗ trợ tài chính

Để xác định các biện pháp minh bạch, chống tham nhũng có phải là một phần trong thỏa thuận hỗ trợ tài chính hay không, TI đã tiến hành giám sát thông tin công khai có sẵn về tài trợ khẩn cấp của IMF cho các quốc gia để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Và, để giúp các nhà phân tích, nhà hoạt động chống tham nhũng trên toàn thế giới, TI đã thiết lập một bộ theo dõi, thông qua đó, đánh dấu sự hiện diện (có hoặc không) của các biện pháp minh bạch, chống tham nhũng trong mỗi thỏa thuận cho vay, phân loại các biện pháp theo 9 mục, trong đó bao gồm mua sắm công, sở hữu lợi ích, báo cáo chi tiêu và kiểm toán.

TI cung cấp chi tiết về việc thực hiện từng biện pháp, bao gồm văn bản gốc về cam kết của mỗi Chính phủ. Ngoài ra, TI cũng xem xét các thông cáo báo chí được phát hành cho mỗi thỏa thuận tài chính để đánh giá có hay không việc IMF nhắc tới trong thông cáo về các từ khóa như: (Chống) tham nhũng, minh bạch và quản trị.

Những biện pháp nào các quốc gia hứa sẽ thực hiện?

Một bảng phân tích cập nhật đến ngày 23/7/2020 chỉ ra rằng, 80% tổng số tiền được IMF giải ngân đã chỉ được chuyển đến 10 quốc gia gồm: Chile, Peru, Colombia, Ai Cập, Ukraine, Nigeria, Pakistan, Jordan, Ghana và Tunisia. Khoảng hơn một nửa (58%) trong số các thỏa thuận tài chính có bao gồm các biện pháp cụ thể để bảo đảm tính minh bạch và/hoặc giảm thiểu rủi ro tham nhũng.

Phát hiện này thực sự đáng lo ngại. Kể từ giai đoạn đầu của đại dịch, chúng ta đã thấy hàng chục báo cáo truyền thông liên quan đến tham nhũng trong COVID-19. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng: Tại sao, dù được áp dụng cùng một công cụ tài chính trong cùng một thời kỳ, mà lại nơi có, nơi ít, nơi không bao gồm những cam kết chống tham nhũng cụ thể? Các khuyến nghị chống tham nhũng và quản trị của IMF ở mức độ như thế nào trong những đánh giá của họ đối với các quốc gia thành viên, đơn cử như các báo cáo Điều IV, có được tính đến trong quá trình phê duyệt các khoản vay hay không?

Khi các Chính phủ cam kết thực hiện những biện pháp chống tham nhũng, biện pháp được sử dụng rộng rãi nhất là kiểm toán chi tiêu liên quan đến COVID-19 (67 thỏa thuận tài trợ bao gồm cam kết này); tiếp đến là mua sắm công (56 thỏa thuận cam kết); và sở hữu lợi ích (50 thỏa thuận cam kết).

leftcenterrightdel
Top 5 quốc gia nhận hỗ trợ tài chính COVID-19 và miễn trừ nợ của IMF (đơn vị USD). Trong đó: Màu vàng: Bao gồm một vài biện pháp chống tham nhũng. Màu đỏ: Không có biện pháp chống tham nhũng. Màu xám: Đánh giá đang chờ xử lý. Ảnh chụp màn hình 
 

Đi sâu hơn vào các cam kết chống tham nhũng

Để cho phép giám sát hiệu quả việc thực hiện của các Chính phủ, các cam kết chống tham nhũng phải được cụ thể hóa, có khả năng đo lường, có thể hành động và ràng buộc về thời gian. Tuy nhiên, không có nhiều thỏa thuận tài chính có được điều này.

Ví dụ, Afghanistan, Bahamas, Bangladesh, Benin, Gabon và Montenegro là những nơi có cam kết ràng buộc thời gian về kiểm toán chi tiêu liên quan đến COVID-19. Một số thỏa thuận tài chính khác, như đối với Guatemala, bao gồm thông tin về trang web - nơi công bố các báo cáo chi tiêu.

Trong trường hợp khác, chi tiết cụ thể về cam kết chống tham nhũng có khả năng đo lường bị thiếu. Như Chính phủ Cộng hòa Dominican cam kết "tuân thủ các thủ tục tốt nhất trong mua sắm và trao hợp đồng... cũng như công bố báo cáo kiểm toán bên ngoài về các chi tiêu liên quan đến virus khi khủng hoảng đã qua". Việc thiếu độ chính xác về "những thủ tục tốt nhất" và "khi khủng hoảng đã qua" đồng nghĩa với việc không rõ Chính phủ đã cam kết cụ thể sẽ làm gì.

Còn tại Kosovo, các thỏa thuận tài chính lại đưa vào những ngôn từ mang ý nghĩa khái quát, thể hiện thiện chí của Chính phủ hơn là lời cam kết.

Đáng chú ý, tổng cộng, TI đã tìm thấy 47 thỏa thuận mà không một cam kết nào của Chính phủ liên quan đến việc sử dụng tiền một cách minh bạch. Điển hình là Bắc Macedonia. Trước đó gần 5 tháng, chính IMF cũng đã nêu bật những lo ngại về quản trị của nước này. Tuy nhiên, một khoản vay đã được phê duyệt cho Bắc Macedonia mà không có cam kết rõ ràng của Chính phủ để giải quyết những vấn đề đã nêu.

Con đường phía trước

Cam kết là cần thiết. Nhưng cần hơn nữa là các hành động cụ thể.

Các quốc gia thành viên IMF có thể đưa vào những cam kết chống tham nhũng cụ thể, có thể đo lường trong các thỏa thuận cho vay, để Quỹ có thể giúp đỡ được những người bị tổn thương bởi dịch bệnh như đúng mục tiêu ban đầu. Để bảo đảm 1 nghìn tỷ USD được chuyển đến nơi thực sự cần thiết nhất và giúp cứu sống nhiều con người, Chính phủ các nước cần thực hiện cam kết và phải chứng minh họ có thể chuyển từ lời nói thành hành động.

Trong khi hiện nay, các Chính phủ một mình đưa ra các cam kết chống tham nhũng, IMF có thể và nên đóng vai trò lớn hơn trong bảo vệ các quỹ. Những biện pháp này có thể bao gồm:

1. Sửa đổi các điều khoản năm 2011 về thanh khoản và hỗ trợ khẩn cấp

Tài trợ khẩn cấp được triển khai kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như thông qua công cụ tín dụng nhanh và công cụ tài chính nhanh, có đặc trưng là tốc độ và tính linh hoạt các điều kiện hạn chế.

Tuy nhiên, những phản hồi của IMF với COVID- 19 đã cho thấy rằng, có thể bao gồm quản trị đặc biệt và các biện pháp bảo vệ chống tham nhũng trong các thỏa thuận cho vay khẩn cấp.

IMF nên mở rộng các biện pháp này bằng cách tích hợp và áp dụng như nhau cho tất cả quốc gia vào các điều khoản năm 2011 của mình. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn việc lạm dụng các quỹ của IMF, mà còn giải quyết sự thiếu nhất quán của những biện pháp chống tham nhũng trong tài chính khẩn cấp mà chính IMF đã công nhận gần đây.

2. Thân thiện hơn trong tiếp cận thông tin

IMF đã công bố các chính sách, điều khoản, các bản thông tin, các báo cáo Điều IV và thỏa thuận cho vay, nhưng chúng nằm rải rác trên trang web của Quỹ và không phải lúc nào cũng thân thiện với người dùng.

Việc tìm kiếm các điều kiện mà các quốc gia phải đáp ứng trong các thỏa thuận mang tính chất thường xuyên, các tài liệu dài và nhiều, gây khó khăn cho xã hội dân sự, các phương tiện truyền thông cũng như các nhà nghiên cứu trong việc theo dõi, giám sát.

Bởi vậy, việc công bố theo dõi Hỗ trợ tài chính và Hỗ trợ dịch vụ nợ COVID-19 là một bước tích cực trong tập trung trình bày thông tin thỏa thuận cho vay ở một nơi. Điều này cần được nhân rộng cho các vấn đề như điều kiện áp dụng cho các quốc gia trong tất cả các khoản cho vay của IMF.

3. Sự tham gia của xã hội dân sự

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự (CSOs) trong việc hỗ trợ trách nhiệm giải trình và giám sát việc thực hiện các cam kết ngày càng được thừa nhận. IMF cần phải tăng cường nỗ lực tham khảo ý kiến các chuyên gia CSO trước khi phê duyệt các khoản vay, đặc biệt là liên quan đến những ý tưởng về biện pháp chống tham nhũng.

4. Nhất quán với các kết quả chống tham nhũng trước đây

IMF phải tính đến các rủi ro đã được xác định trong quá khứ cũng như tiếp tục đầu tư vào những vấn đề từ các chủ thể khác (xã hội dân sự) như đề cập ở trên.

5. Khuyến khích các quốc gia đưa ra cam kết cụ thể

Những cam kết mang tính đại khái, mơ hồ không nên được chấp nhận. Các quốc gia thành viên IMF phải đưa ra những cam kết cụ thể và có thời hạn.

6. Mở rộng các cam kết chống tham nhũng đến những lĩnh vực thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng

Mua sắm công, sở hữu lợi ích và kiểm toán là những lĩnh vực cần quan tâm để giảm thiểu rủi ro tham nhũng. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng nhấn mạnh 2 lĩnh vực bổ sung khác cần giải quyết.

Đó là, các cơ quan chủ chốt cần phải có nguồn lực tài chính, kỹ thuật để đối phó với tham nhũng. Các tổ chức quốc tế về đại dịch đã sớm ghi nhận COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng của các cơ quan giám sát và thực thi quốc gia trong thực hiện công việc của họ. Bên cạnh đó, xung đột lợi ích trong việc ra quyết định có thể dẫn tới rủi ro tham nhũng gia tăng. Xác định các rủi ro này và sử dụng những công cụ như công khai minh bạch tài sản của quan chức nhà nước sẽ giúp giải quyết vấn đề.

7. Báo cáo công khai về việc thực hiện các cam kết

IMF đã tuyên bố, việc không thực hiện các cam kết có thể dẫn tới những điều kiện tiếp theo về quản trị, chống tham nhũng trong các chương trình sắp tới và/hoặc việc tư vấn những chính sách, điều khoản có liên quan. IMF cần báo cáo công khai và toàn diện về triển khai và tác động của các biện pháp chống tham nhũng trong công cụ tài chính khẩn cấp tại Hội nghị mùa Xuân năm 2021.

Hoài Phương