Các đề xuất

Ủy ban châu Âu ghi nhận những thách thức đang nổi lên liên quan đến đổi mới công nghệ, với lĩnh vực tiền điện tử là trọng tâm đặc biệt cho các nhà hoạch định chính sách. Các giới hạn đối với thanh toán bằng tiền mặt cũng cần được hài hòa, với việc Ủy ban đề xuất mức trần cho toàn EU là 10.000 euro.

Hiện tại, chỉ các danh mục nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử cụ thể mới được đưa vào phạm vi của các quy tắc chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của EU. Cải cách được đề xuất sẽ mở rộng những quy tắc này cho toàn bộ lĩnh vực tiền điện tử, bắt buộc tất cả các nhà cung cấp dịch vụ phải tiến hành thẩm định khách hàng của mình.

Ủy ban châu Âu cho biết, các sửa đổi sẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc đầy đủ của việc chuyển giao tài sản tiền điện tử, chẳng hạn như bitcoin, đồng thời ngăn chặn và phát hiện việc sử dụng chúng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Ngoài ra, hệ thống đăng ký tài khoản ngân hàng quốc gia hiện có sẽ được kết nối, giúp các đơn vị tình báo tài chính (FIU) truy cập nhanh hơn vào thông tin về tài khoản ngân hàng và két an toàn.

Ủy ban cũng sẽ cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật quyền truy cập vào hệ thống này, tăng tốc độ điều tra tài chính và thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án xuyên biên giới.

Mairead McGuinness, Ủy viên phụ trách Các dịch vụ tài chính, Ổn định tài chính và Liên minh thị trường vốn của EU, cho biết: “Rửa tiền đặt ra mối đe dọa hiện tại rõ ràng đối với công dân, các tổ chức dân chủ và hệ thống tài chính. Không thể đánh giá thấp quy mô của vấn đề, và những kẽ hở mà tội phạm có thể khai thác cần phải được đóng lại".

Cũng theo bà Mairead McGuinness, gói đề xuất của ngày hôm nay tăng cường đáng kể nỗ lực của EU "nhằm ngăn chặn việc rửa tiền bẩn qua hệ thống tài chính. Chúng tôi đang tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan chức năng ở các quốc gia thành viên và tạo ra một cơ quan chống rửa tiền mới của EU. Những biện pháp này sẽ giúp chúng tôi bảo vệ tính liêm chính của hệ thống tài chính và thị trường đơn lẻ”.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế hoan nghênh các đề xuất

Trong một thông cáo báo chí, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) hoan nghênh các đề xuất nhằm cải thiện khuôn khổ chống rửa tiền của EU, do Ủy ban châu Âu đưa ra ngày 20/7. Đặc biệt trong đó là đề xuất của Ủy ban về việc thành lập một cơ quan chống rửa tiền mới của EU và biến cơ quan này trở thành “trung tâm” trong khuôn khổ giám sát của khối có thể thay đổi cuộc chiến chống tội phạm tài chính xuyên biên giới.

Theo TI, trong những năm gần đây, nhiều vụ bê bối đã cho thấy vai trò không thể thiếu của các ngân hàng EU trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tham nhũng xuyên biên giới và rửa tiền. Đó cũng là minh chứng cho những thất bại của các cơ quan chức năng quốc gia trong việc ngăn chặn và xử phạt thích đáng những hành vi sai trái. Kể từ năm 2019, TI đã kêu gọi một cơ quan toàn EU thực hiện giám sát cả các ngân hàng lẫn các cơ quan giám sát quốc gia.

Phân tích của TI cho thấy, không có cơ quan hiện tại nào đủ khả năng để đảm nhận vai trò này, như trong vụ việc của ngân hàng lớn nhất Đan Mạch Danske Bank - nơi Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA) đã mở và sau đó nhanh chóng đóng cuộc điều tra về những vi phạm pháp luật có thể xảy ra của cơ quan giám sát Đan Mạch và Estonia.

Bà Maíra Martini, chuyên gia chính sách và nghiên cứu về dòng tiền tham nhũng tại TI cho biết: “Việc thành lập một cơ quan giám sát mới có thể giúp khắc phục những lỗ hổng rõ ràng nhất đã khiến EU trở thành điểm nóng rửa tiền".

Chuyên gia này cũng cảnh báo, "các tổ chức tài chính nhỏ hơn có thể sẽ không chịu sự giám sát trực tiếp của cơ quan mới, vẫn là một lỗ hổng lớn trong khuôn khổ tương lai. Những vụ án tham nhũng trước đây cho thấy các ngân hàng như Pilatus ở Malta và ABLV ở Latvia đã đóng một vai trò quan trọng trong tội phạm tài chính xuyên biên giới, bất chấp quy mô của chúng”.

Đề xuất của Ủy ban châu Âu cũng bao gồm các sửa đổi đối với những quy tắc chống rửa tiền của EU như các biện pháp đảm bảo chất lượng của thông tin sở hữu hưởng lợi được ghi nhận giữa các quốc gia thành viên EU. Các biện pháp mới cũng sẽ giải quyết một số lỗ hổng mà TI đã xác định trước đây, bao gồm thông qua việc đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn về các giám đốc và cổ đông được đề cử, cổ phiếu vô danh không thể theo dõi được.

leftcenterrightdel
 Việc thành lập một cơ quan giám sát mới có thể giúp khắc phục những lỗ hổng rõ ràng nhất đã khiến EU trở thành điểm nóng rửa tiền. Ảnh: globalcompliancenews

 

Bên cạnh đó, đề xuất của Ủy ban châu Âu cũng để lại khoảng trống cho các quốc gia thành viên để giảm ngưỡng sở hữu, hiện được đặt ở mức cao 25%, trong trường hợp có nhiều cơ cấu sở hữu khác nhau. TI cảnh báo rằng, việc không xác định được đầy đủ những người thụ hưởng thực sự của một số loại pháp nhân và thỏa thuận nhất định sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn.

Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (EUROPOL), hơn 80% mạng lưới tội phạm hoạt động ở EU sử dụng cấu trúc kinh doanh hợp pháp cho các hoạt động tội phạm của họ. Ngưỡng 25% đã được chứng minh là quá cao trong một số trường hợp và đối với một số loại pháp nhân nhất định.

Đáng chú ý, TI đã phát hiện ra rằng, phần lớn các quỹ đầu tư hoạt động tại Luxembourg không tuyên bố chủ sở hữu hưởng lợi của họ - phần lớn là do họ không phải làm như vậy, theo quy định của EU.

Laure Brillaud, Cán bộ Chính sách cao cấp về chống rửa tiền tại TI EU, cho biết: “Hội đồng và Nghị viện châu Âu hiện có trách nhiệm sửa chữa những lỗ hổng còn tồn tại. Điều này bao gồm việc đảm bảo sự quản lý phù hợp của cơ quan giám sát trong tương lai. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình và thực sự có hiệu quả, cơ quan mới phải được cấp đủ nguồn lực. Tính độc lập của cơ quan này cũng phải được đảm bảo, điều mà các thỏa thuận quản trị được đề xuất sẽ không đạt được ở một mức độ thích đáng".

Bà Brillaud nói thêm: “Hội đồng và Nghị viện cũng phải cải thiện tính mạnh mẽ của các sổ đăng ký quyền sở hữu hưởng lợi để đảm bảo rằng tiền bẩn không còn có thể xâm nhập vào EU”.

Trước đó, vào tháng 8/2020, TI EU và 14 đại diện quốc gia của TI đã kêu gọi các quy tắc cứng rắn hơn của EU, bao gồm việc thành lập một cơ quan giám sát độc lập và bao quát đầy đủ các ngành công nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và thị thực vàng theo các quy định pháp luật.

Các ngân hàng Ireland ủng hộ cải cách chống rửa tiền triệt để

Trước gói đề xuất vừa được công bố của Ủy ban châu Âu, các ngân hàng Ireland đã hoan nghênh và cho rằng, đây là một cuộc cải cách “triệt để” về các quy tắc chống rửa tiền của EU, cho phép khối này trực tiếp giám sát các công ty có rủi ro nhất và điều chỉnh các nhà giao dịch tiền điện tử.

Liên đoàn Ngân hàng và Thanh toán Ireland (BPFI) cho biết, cơ quan chống rửa tiền mới gồm 250 người sẽ loại bỏ các giao dịch xuyên biên giới đáng ngờ.

Keith Gross, người đứng đầu Bộ phận An ninh và Tội phạm tài chính của BPFI, cho rằng, các đề xuất được nêu hôm 20/7 bao gồm “một loạt cải cách cấp tiến sẽ hỗ trợ rất nhiều và giúp đỡ các thành viên của chúng tôi trong công việc hàng ngày cũng như liên tục của họ - phát hiện, ngăn chặn, phá vỡ hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố ở Ireland và trên khắp EU".

Các quy tắc mới sẽ buộc các sàn giao dịch tiền điện tử tiết lộ người bán và người thụ hưởng tài sản tiền điện tử, sẽ giới hạn các giao dịch tiền mặt ở mức 10.000 euro trong toàn khối và mở rộng sự giám sát của EU đối với các lĩnh vực pháp lý, kế toán và bất động sản, không chỉ ngân hàng.

Hoài Phương