Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác “vẫn lo ngại sâu sắc về việc sử dụng tất cả các hình thức lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ của các nhóm dễ bị tổn thương, thiểu số và chuỗi cung ứng của các ngành nông nghiệp, năng lượng mặt trời và may mặc...".

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết chống tham nhũng bằng cách giải quyết vấn đề lạm dụng của các công ty vỏ bọc và rửa tiền thông qua những giao dịch bất động sản.

"Chúng ta biết rằng tham nhũng làm xói mòn lòng tin vào chính phủ, bòn rút các nguồn lực công, khiến các nền kinh tế trở nên kém cạnh tranh hơn nhiều và trở thành mối đe dọa đối với an ninh của chúng ta", ông Biden nói trong một cuộc họp báo hôm 13/6.

Trước đó, ngày 3/6/2021, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố, nỗ lực kiềm chế tham nhũng là lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ và ban hành Bản Ghi nhớ điều tra an ninh quốc gia về đấu tranh chống tham nhũng để nâng cao công việc quan trọng này.

Nhà Trắng cho biết, với tư cách là một nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, các thành viên G7 phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng, số tiền thu được từ tham nhũng không bị chuyển vào các tài khoản không thể theo dõi, bị che khuất bởi các công ty vỏ bọc hoặc trong bất động sản.

leftcenterrightdel
Tổng thống Mỹ Biden phát biểu với các phóng viên tại Cornwall khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào ngày 13/6/2021. Ảnh: Doug Mills/The New York Times 

Cùng với các đối tác G7, Mỹ quyết tâm thực hiện những hành động có ý nghĩa để chống tham nhũng một cách hiệu quả, chẳng hạn như giải quyết việc lạm dụng các công ty vỏ bọc, hạn chế khả năng các kẻ xấu rửa tiền bẩn trong các giao dịch mua bất động sản, cải thiện việc chia sẻ thông tin liên quan đến tham nhũng, và cải cách hoạt động tài trợ nước ngoài để tập trung vào chống tham nhũng như một ưu tiên xuyên suốt.

"Chúng tôi hoan nghênh G7 cam kết thực hiện hành động chung trong việc chống tham nhũng", Nhà Trắng tuyên bố.

Về các cuộc tấn công ransomware, các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố rằng, hoạt động độc hại như vậy sẽ bị điều tra và truy tố.

Theo Nhà Trắng, ransomware là một thách thức toàn cầu lâu dài và mối đe dọa tiếp tục leo thang cả về quy mô và mức độ phức tạp. Chỉ trong vài tuần qua, đã có một số cuộc xâm nhập mạng đáng kể ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quan trọng của nhiều nước G7 và các quốc gia khác, các công ty sản xuất cũng như bệnh viện…

Những doanh nghiệp tội phạm xuyên quốc gia này tận dụng cơ sở hạ tầng, tiền ảo và mạng lưới rửa tiền, đồng thời nhắm mục tiêu vào các nạn nhân trên toàn cầu, thường hoạt động từ các vị trí địa lý tạo môi trường cho phép để thực hiện các hoạt động mạng độc hại như vậy.

Cộng đồng quốc tế - cả chính phủ và các bên tham gia khu vực tư nhân - phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng, cơ sở hạ tầng quan trọng có khả năng chống lại mối đe dọa này, rằng hoạt động mạng độc hại được điều tra và truy tố.

“Khi nói đến ransomware, không quốc gia có trách nhiệm nào lại chứa chấp tội phạm tham gia vào hoạt động này. Đây là điều rất quan trọng trong chương trình nghị sự của ông ấy”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trên Fox News Sunday, đề cập đến thời điểm ông Biden gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào cuối tuần này.

Ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 đã kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh hàng năm, kéo dài ba ngày ở Cornwall - hội nghị mà Nhà Trắng mô tả là “thực chất và hiệu quả một cách bất thường”. Tại đây, các nhà lãnh đạo tập trung vào việc chấm dứt đại dịch coronavirus và giúp các quốc gia phục hồi kinh tế theo cách công bằng hơn.

“Chúng tôi, các nhà lãnh đạo của G7, đã gặp nhau ở Cornwall… quyết tâm đánh bại Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn”, các nhà lãnh đạo tuyên bố trong một thông cáo chung ngày 13/6, lặp lại khẩu hiệu mà chính quyền của ông Biden đã sử dụng trong các nỗ lực phục hồi kinh tế trong nước.

Các nhà lãnh đạo G7 đã khởi động hội nghị bằng cách cam kết tài trợ 1 tỷ liều vắc xin coronavirus cho các quốc gia có nhu cầu và kêu gọi một cuộc điều tra “minh bạch, do chuyên gia lãnh đạo và dựa trên khoa học” về nguồn gốc của coronavirus.

Các ưu tiên khác trong chương trình nghị sự chung của họ bao gồm việc đảm bảo các tập đoàn đa quốc gia đóng phần công bằng trong thuế toàn cầu và chống lại biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết không phát thải ròng không muộn hơn năm 2050 và cắt giảm một nửa lượng khí thải chung của họ vào năm 2030, cũng như hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C.

Thành công lớn nhất của Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa kết thúc được đánh giá là nằm ở việc ra được một tuyên bố chung, với chữ ký của tất cả các nhà lãnh đạo tham dự.

Hoài Phương