Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) hoan nghênh quyết định của Ủy ban châu Âu về việc khởi động các thủ tục tố tụng đối với Síp và Malta do vi phạm rõ ràng Luật Liên minh. Động thái này diễn ra sau nhiều vụ bê bối xung quanh việc bán hộ chiếu cho người nước ngoài là các cá nhân đáng ngờ cũng như những tiết lộ về tham nhũng trong việc quản lý các chương trình "hộ chiếu vàng" ở cả 2 quốc gia.

Bà Laure Brillaud, Cán bộ Chính sách Cao cấp về Chống Rửa tiền tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế EU cho rằng: “Đây chính xác là loại hành động mang tính quyết định mà chúng tôi đang kêu gọi... Có nhiều bằng chứng cho thấy các chương trình thị thực vàng của Síp và Malta đã phục vụ cho các lợi ích tham nhũng, không phải lợi ích chung. Trong nhiều năm, Chính phủ của cả 2 nước đều phớt lờ sự phẫn nộ của công chúng. Quyết định của Ủy ban châu Âu có nghĩa là họ có thể tự mình đưa ra Tòa án Công lý châu Âu, trừ khi cả 2 quốc gia có hành động nhanh chóng để chấm dứt hành vi lạm dụng”.

Theo Ủy ban châu Âu, bất chấp nhiều lần được cảnh báo, Síp và Malta trong nhiều năm đã cấp quyền công dân cho các cá nhân mà không đảm bảo kết nối thực sự với quốc gia của họ, vi phạm nghĩa vụ hợp tác chân thành giữa các quốc gia thành viên EU. Khi hành động như vậy, họ đã chấp nhận rủi ro cho toàn thể EU mà không quan tâm đến vấn đề an ninh và tính liêm chính của liên minh.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic ngày 19/10 cho biết, Ủy ban bày tỏ lo ngại sâu sắc với các quốc gia thành viên có liên quan về những sơ hở trong các chương trình đầu tư này, và những diễn biến mới đây tái khẳng định mối quan ngại. Ủy ban sẽ tiếp tục làm việc với Síp và Malta để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong khu vực.

Tháng 8 vừa qua, Đài Al Jazeera (Qatar) công bố kết quả cuộc điều tra bí mật cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) của Síp có sơ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng. Theo đó, các cuộc điều tra đã phát hiện hàng chục hồ sơ xin quốc tịch theo chương trình này là các cá nhân đang bị khởi tố hoặc là tội phạm quốc tế hay thậm chí là đang thi hành án tù.

Tuần trước, Chính phủ Síp tuyên bố sẽ đình chỉ chương trình cấp hộ chiếu của mình bắt đầu từ ngày 1/11. Chương trình vốn mang lại cho quốc đảo này thu nhập khoảng 7 tỷ euro (8,25 tỷ USD), thông qua việc cấp hộ chiếu cho người nước ngoài để đổi lấy khoản đầu tư 2,5 triệu euro.

Hiện, Síp đang xem xét lại toàn bộ 4.000 trường hợp thuộc diện này được cấp hộ chiếu từ trước đến nay.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu chương trình này có bị xóa bỏ vĩnh viễn hay không?

Còn tại Malta, bắt đầu cơ chế "bán" hộ chiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2014. Các nhà đầu tư có thể được cấp hộ chiếu nếu họ đóng góp 756.000 USD cho Quỹ Phát triển quốc gia, đầu tư 174.000 USD vào cổ phiếu hoặc trái phiếu được Chính phủ phê duyệt hoặc mua bất động sản tối thiểu 407.000 USD và cam kết cư trú ít nhất 5 năm.

Hồi tháng trước, một cựu quan chức cấp cao đã bị bắt vì cáo buộc nhận tiền lại quả trái phép liên quan đến chương trình này. Hành vi sai trái lần đầu tiên được tiết lộ và báo cáo bởi nhà báo điều tra nổi tiếng Daphne Caruana Galizia vào đầu năm 2017 - chỉ vài tháng trước khi cô bị sát hại bằng bom xe.

Síp và Malta không phải là những quốc gia duy nhất có thể mua quốc tịch EU. Ngày 20/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu cũng đã viết thư cho Chính phủ Bulgaria, nêu rõ mối quan tâm của họ xung quanh chương trình hiện có của đất nước.

TI kêu gọi Ủy ban châu Âu kiểm tra tính hợp pháp của tất cả các chương trình cư trú cung cấp con đường gián tiếp để trở thành công dân EU, bao gồm cả của Bồ Đào Nha...

“Chúng tôi hy vọng rằng các thủ tục vi phạm sẽ được giải quyết bởi cuộc cải cách khẩn cấp và cần thiết trên toàn EU. Chú ý đến các lời kêu gọi từ Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu nên trình bày một kế hoạch để loại bỏ dần các chương trình thị thực vàng, như là bước hành động tiếp theo”, bà Laure Brillaud nói.

Hoài Phương