Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng khắp thế giới, Chính phủ các nước Mỹ Latin và vùng Caribbean đang nhận được sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ các công ty, tổ chức đa phương, và các nhà tài trợ tư nhân để giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng.

Tốc độ là yếu tố rất quan trọng để các Chính phủ có thể cung cấp hỗ trợ tài chính một cách kịp thời cho những cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, họ phải bảo đảm rằng, các quỹ này được phân phối một cách công bằng, đặc biệt tập trung sự công bằng vào vấn đề giới tính, minh bạch và chống tham nhũng.

COVID-19 và tham nhũng có thể làm xấu thêm tình trạng bất bình đẳng giới

Sự thất bại trong chống tham nhũng giữa đại dịch COVID-19, sự sụp đổ của nền kinh tế có thể làm trầm trọng thêm vấn đề khoảng cách và bất bình đẳng giới đã tồn tại từ trước, cũng như làm suy yếu tiến trình về bình đẳng giới mà chúng ta đang thực hiện trong suốt những thập kỷ vừa qua.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy phụ nữ bị ảnh hưởng không cân bằng trong dịch COVID-19, về cả mặt sức khỏe và kinh tế - xã hội.

Gánh nặng lớn thêm

Ở Mỹ Latin và vùng Caribbean, phụ nữ thường gánh trách nhiệm chăm sóc trẻ em, người già, người bệnh và khuyết tật. Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, họ phải gánh nặng hơn, khi vừa phải làm việc nhà, vừa phải bảo đảm công việc, đặc biệt trong tình trạng phong tỏa vẫn tiếp tục và nhiều trường học vẫn đóng cửa.

Lấy ví dụ, ở Mexico, phụ nữ đã dành trung bình 39 giờ mỗi tuần cho công việc không được trả lương, bao gồm: Chăm sóc trẻ em, làm việc nhà. Con số này cao gấp 3 lần so với nam giới. Với những gia đình dành nhiều thời gian ở nhà hơn, phụ nữ có nguy cơ tăng khối lượng công việc lên nhiều hơn.

Nguy cơ mất việc cao

Ở Mỹ Latin và vùng Caribbean, 54% phụ nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh COVID-19, nhiều trong số công việc không chính thức, được trả lương thấp lại trở thành những ngành nghề thiết yếu. Đó là y tá, nhân viên thu ngân, người dọn dẹp. Chủ yếu phụ nữ làm những công việc này, với những rủi ro cao về sức khỏe.

Cùng với đó, phụ nữ cũng có nguy cơ mất việc làm cao, đặc biệt là khi đất nước không sẵn sàng về hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em và bảo trợ xã hội. Hệ lụy kéo theo đó không chỉ là mất việc làm, mà họ cũng có thể mất sự độc lập về tài chính.

Tham nhũng - chất xúc tác cho sự gia tăng bất bình đẳng giới

Tham nhũng có khả năng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Các biện pháp khẩn cấp và bất bình đẳng thu nhập cũng kéo theo nguy cơ gia tăng tham nhũng, khi giới tinh hoa chính trị và những người giàu lợi dụng tình hình để mang về lợi ích cá nhân thay vì lợi ích cho cộng đồng cư dân.

Các cá nhân nắm trong tay quyền lực, các tập đoàn giàu có lại có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ các gói cứu trợ khẩn cấp cho COVID-19.

Trong khi đó, với sức mạnh và sự ảnh hưởng ít hơn, phụ nữ có khả năng bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt đáng quan ngại là những phụ nữ thuộc nhóm người dễ bị tổn thương như: người di cư, người ở vùng nông thôn, người khuyết tật…

Bởi thế, TI và UN Women nhấn mạnh, các quỹ cứu trợ, gói cứu trợ khẩn cấp trong COVID-19 cần phải tính đến phụ nữ. Bất kỳ sự phân phối nào cũng cần bao gồm những cân nhắc về giới trong nỗ lực cứu sống, hỗ trợ sinh kế và tránh sự bất bình đẳng càng trở nên sâu sắc.

Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức về giới trong chính sách của Chính phủ, lập các chương trình, kế hoạch, sử dụng ngân sách… Ngân sách giới cũng là một chiến lược quan trọng để bảo đảm rằng chi tiêu công có hiệu quả, thiết thực, tiếp cận được những người cần nhất.

Bảo đảm phụ nữ có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe

Phụ nữ và trẻ em gái có những nhu cầu riêng về chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, họ có ít khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, bao gồm các loại thuốc thiết yếu, vắc-xin và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, sinh sản.

Ngoài ra, phụ nữ cũng ít có khả năng có bảo hiểm cho các chi phí y tế thường xuyên và bệnh nặng, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng cách ly.

Bên cạnh đó, các chương trình, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cũng cần phải được tài trợ một cách thích hợp.

Theo TI, tham nhũng thường góp phần khiến phụ nữ không được tiếp cận chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng. Ngay cả trong điều kiện bình thường, không dịch bệnh, tham nhũng trong lĩnh vực y tế cũng gây thiệt hại hơn 500 tỷ USD mỗi năm.

Các nguồn lực quý giá bị mất do tham nhũng có thể ảnh hưởng lâu dài tới phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là trong COVID-19, họ bị ngăn cản trong việc nhận được các dịch vụ y tế cứu sinh mà họ rất cần.

TI và UN Women đã chỉ ra những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong COVID-19, bao gồm: Phụ nữ, trẻ em (cả trai và gái), người già, người khuyết tật, phụ nữ di cư và tị nạn, phụ nữ nông thôn, phụ nữ gốc Phi, những lao động không chính thức, phụ nữ sống sót sau bạo lực, phụ nữ chuyển giới, phụ nữ đồng tính nữ, phụ nữ từ cộng đồng đa dạng về tình dục…

Những khuyến nghị

Theo TI và UN Women, các Chính phủ cần hành động nhiều hơn để thúc đẩy tính minh bạch trong đại dịch COVID-19, trong đó bao gồm việc phân tách dữ liệu y tế và tài chính theo giới tính và tính đến dữ liệu này trong quá trình ra các quyết định.

Thêm vào đó, công khai, trao quyền truy cập vào các thông tin đáng tin cậy là chìa khóa để ngăn ngừa và giảm thiểu những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Đảm bảo phụ nữ có quyền truy cập bình đẳng vào thông tin này cũng là điều rất quan trọng.

Trao quyền cho phụ nữ, để họ tham gia vào bàn chính trị, trong việc ra các quyết định, đặc biệt liên quan tới ngân sách và phân phối các quyết định viện trợ. Một số nữ chính trị gia trên thế giới đã thể hiện sự lãnh đạo gương mẫu trong đại dịch COVID-19, đưa ra các quyết định thận trọng, được thông báo và truyền đạt rõ ràng tới công dân của họ.

TI và UN Women kêu gọi Chính phủ các nước ở Mỹ Latin và vùng Caribbean kết hợp quan điểm về giới trong phản ứng của họ đối với đại dịch COVID-19. Cụ thể:

- Thúc đẩy tính minh bạch trong chi tiêu của Chính phủ và bảo đảm các nguồn lực thích hợp để giải quyết những tác động của tham nhũng đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong đại dịch COVID-19.

- Bảo đảm phụ nữ có quyền truy cập bình đẳng vào các phương pháp điều trị cứu người, thuốc men và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, đặc biệt trong đại dịch.

- Cam kết chia sẻ thông tin và công bố dữ liệu phân tách theo giới để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến phụ nữ như thế nào.

- Nhấn mạnh các cam kết tài chính trước đây đối với các dịch vụ xã hội và bảo đảm chúng được nhắm mục tiêu đến phụ nữ, cộng đồng (chuyển giới, đồng tính, song tính...) LGBTIQ+ và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

- Duy trì công nghệ thực tế ảo, đặc biệt là trong đại dịch và tăng cường Chính phủ mở, dữ liệu mở, công khai các thủ tục thông qua truy cập trực tuyến miễn phí.

- Tính đến phụ nữ trong việc ra quyết định chống tham nhũng và bảo đảm họ có sự tham gia, đại diện bình đẳng trong việc đàm phán các gói cứu trợ khẩn cấp.

- Dành các nguồn lực bổ sung để giải quyết nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng trong đại dịch và trao quyền kinh tế cho phụ nữ, như một phần của kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.

Xây dựng cơ chế báo cáo mạnh mẽ, an toàn để những phụ nữ có trải nghiệm về tham nhũng giới tính tố cáo việc bị lạm dụng.

Hoài Phương