Trước đó, vào ngày 15/12, Cơ quan Điều tra Tư pháp của Costa Rica (OIJ) thông báo đã bắt giữ 16 người bị cáo buộc liên quan đến một tổ chức tội phạm chuyên buôn bán ma túy quốc tế và rửa tiền.

Văn phòng Tổng Chưởng lý Costa Rica xác nhận, một thẩm phán và một thành viên của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Costa Rica nằm trong số những người bị bắt giữ trong chiến dịch.

1 tháng trước đó, OIJ tuyên bố rằng, một thẩm phán và trợ lý tư pháp, từ thị trấn Golfito, tỉnh Puntarenas, bị điều tra vì cáo buộc cộng tác với các băng đảng ma túy. Theo các nhà điều tra, vị thẩm phán bị cáo buộc đã tiếp tay cho những kẻ buôn ma túy trốn tù. Ngoài ra, hai quan chức tư pháp này cũng bị nghi ngờ có hành vi báo trước cho các tội phạm về những hoạt động chống ma tuý ở địa phương.

Trong báo cáo thường niên năm 2020 của Cơ quan Tư pháp quốc gia, Chánh án Tòa án Tối cao Fernando Cruz thừa nhận, ông không ngạc nhiên khi các nhóm tội phạm có tổ chức xâm nhập các cơ quan tư pháp của Costa Rica để lấy thông tin nội bộ.

Ông Fernando Cruz xác nhận, 3 năm trước, Costa Rica đã bắt tay vào một kế hoạch chống tham nhũng "rất tham vọng", nhằm vào các quan chức không hành động liêm chính trong nhiệm vụ của họ.

Tuy nhiên, ông cho rằng, chiến lược của quốc gia để chống tham nhũng như vậy cần được tăng cường, hướng đến năm 2021.

Trong khi so với các nước láng giềng Trung Mỹ, Costa Rica vẫn có những thành tích tư pháp đáng kể, tuy nhiên, những vụ việc gần đây cho thấy nước này vẫn dễ bị gia tăng tham nhũng, do phải đối mặt với các yếu tố tội phạm có tổ chức ngày càng trầm trọng hơn.

Tham nhũng tư pháp là một vấn đề của Costa Rica trong nhiều năm. Một vụ bê bối năm 2014, trong đó một thẩm phán bị cáo buộc đã thả nhiều thành viên khác nhau của một nhóm buôn bán ma túy đã làm dấy lên những chỉ trích xung quanh cơ quan tư pháp của đất nước.

Các hoạt động buôn bán ma túy có tổ chức cao thường có những mối liên hệ phức tạp ở các cấp độ khác nhau. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của chúng, một số thành phần cảnh sát biến chất đã được biết đến là người canh giữ cocaine và thậm chí tự điều hành các mạng lưới bất hợp pháp, trong khi không ít thẩm phán tham nhũng đã cố tình hành động không đúng trong phòng xử án để những kẻ bị bắt đối mặt với bản án nhẹ.

Mối lo ngại tham nhũng trong ngành Tư pháp gia tăng khi Costa Rica ngày càng trở thành điểm đến phổ biến cho các mạng lưới tội phạm có tổ chức vận chuyển ma túy về phía bắc. Một số lượng kỷ lục cocaine và cần sa đã tràn qua quốc gia này, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ sản xuất ở Nam Mỹ.

Báo cáo Chiến lược và Kiểm soát Ma túy Quốc tế gần đây nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng, “sự hiện diện ngày càng nhiều của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và tham nhũng gia tăng trong tất cả các dịch vụ an ninh là mối quan tâm hàng đầu” đối với Costa Rica.

Báo cáo cũng cho biết thêm, Chính phủ Costa Rica thường áp dụng luật năm 2006 để trừng phạt hành vi tham nhũng và ngành Tư pháp nước này đang trong quá trình thực hiện một nỗ lực 3 năm để tăng cường kiểm soát đạo đức trong ngành Tư pháp.

Tuy nhiên, báo cáo tuyên bố, các vụ tham nhũng từ cấp thấp đến trung bình được biết là thường xuyên xảy ra trong nước. Và các vụ tham nhũng cấp cao đã được ghi nhận.

Ngoài ra, một báo cáo công bố năm 2020 từ Chương trình Quốc gia của Costa Rica, đánh giá tình trạng thực thi công lý của đất nước, xác nhận, chỉ có 1/10 đơn khiếu nại tham nhũng được đưa ra xét xử vào năm 2017, làm dấy lên lo ngại về việc miễn trừ trừng phạt trong những trường hợp như vậy, đặc biệt trong bối cảnh Costa Rica đang trở thành đầu mối trung chuyển ma túy.

Mặc dù vậy, hoạt động tư pháp ở quốc gia này vẫn được đánh giá là vượt trội so với các nước láng giềng Trung Mỹ.

Ở Guatemala, tội phạm đã công khai gây ảnh hưởng hoặc tìm cách tác động đến hoạt động của tòa án cấp cao.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự mới của Honduras làm dấy lên lo ngại về tình trạng miễn trừ trừng phạt, thông qua việc giảm án cho các vụ tham nhũng và buôn bán ma túy.

Hoài Phương