III.   GIẢI PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

1.    Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) của năm 2022 theo định hướng, chủ trương của Đảng về THTK, CLP, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt cả nhiệm kỳ công tác. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng năm, từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

 2.    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

-    Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ thường xuyên quán triệt việc THTK, CLP về sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản cũng như tiêu chí cá nhân trong công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn  vị quản lý.

-   Báo Thanh tra, Tạp Chí Thanh tra và Trung tâm Thông tin mở chuyên mục tuyên truyền về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; Kế hoạch hành động của Thanh tra Chính phủ về nội dung này; thường xuyên cập nhật thông tin về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thanh tra Chính phủ.

-   Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thanh tra Chính phủ xem xét, đưa kết quả thực hiện Kế hoạch hành động về THTK, CLP của Thanh tra Chính phủ thành một tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua khen thưởng hàng năm của các đơn vị và làm căn cứ khen thưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cơ quan. Tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên thực hiện theo Thông tư số 129/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính.

-    Các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức THTK, CLP tại đơn vị và địa phương nơi sinh sống, làm việc.

 3.   Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực

a)  Về quản lý ngân sách nhà nước

Các đơn vị dự toán của Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện dự toán ngân sách chặt chẽ, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách, nhất là quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; thực hiện triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước. Thủ trưởng các đơn vị lựa chọn hình thức công khai phù hợp để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn, cán bộ, công chức và người lao động được tiếp cận, kiểm tra, giám sát đầy đủ việc thực hiện sử dụng kinh phí theo quy định của Nhà nước, đặc biệt là sử dụng kinh phí tiết kiệm chi, việc phân phối thu nhập tăng thêm, qua đó nâng cao hiệu quả chất lượng công việc, động viên toàn thể cán bộ, công chức có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí.

Thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ, giảm dần phương thức giao nhiệm vụ nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

b)  Về quản lý vốn đầu tư công

-   Quản lý chặt chẽ các khoản tạm ứng vốn đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

-   Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án.

-   Đảm bảo quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành đúng thời hạn.

-   Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

c)   Về quản lý, sử dụng tài sản công

-   Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và kịp thời cập nhật dữ liệu vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để từng bước cập nhật, quản lý thông tin của các tài sản công được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

-   Xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công.

-    Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm.

d)  Về quản lý lao động, thời gian lao động

-   Việc quản lý lao động, thời gian lao động thực hiện theo đúng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW, Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP.

-    Khẩn trương xây dựng hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ, vị trí việc làm viên chức theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ làm căn cứ cho việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức, thời gian làm việc hiệu quả và làm cơ sở để thực hiện cải cách tiền lương.

-   Đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và tuyển dụng, sử dụng, kỷ luật công chức, viên chức để thu hút được người có năng lực,trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giảm khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ.

 4.   Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

-   Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các cục, vụ, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công khai minh bạch để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát THTK, CLP.

-   Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện trách nhiệm công khai theo đúng quy định của Luật THTK, CLP và các luật khác có liên quan; trong đó, chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật.

-    Thực hiện công khai hành vi lãng phí, kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định của pháp luật.

 5.   Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí .

-   Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; kiểm tra việc thực hiện THTK, CLP trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành. Các đơn vị dự toán xây dựng kế hoạch tự kiểm tra liên quan đến THTK, CLP.

-   Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra tại đơn vị mình và chỉ đạo công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với đơn vị cấp dưới trực thuộc.

-   Đối với những vi phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thủ trưởng đơn vị phải khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí; thu hồi tối đa cho Nhà nước tiền, tài sản bị vi phạm, chiếm đoạt, sử dụng sai quy định, lãng phí phát hiện qua công tác kiểm tra. Đồng thời, có cơ chế khen thưởng,  biểu dương kịp thời các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho công tác THTK, CLP, nhằm tạo tính lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức.

 6.  Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý

-   Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính của các đơn vị gắn với THTK, CLP; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp tại Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP.

-   Tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền; chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bảng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

-    Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

(Còn nữa)