Năm 1999, khi các đại diện của Hiệp hội Minh bạch Li-băng muốn nộp các tài liệu để thành lập tổ chức với Bộ Nội vụ, họ đã bị từ chối. Bộ Nội vụ giải thích rằng không có tham nhũng ở Li-băng nên không cần thiết phải thành lập một hiệp hội như vậy. Thái độ này có thể đã thay đổi trong những năm qua, nhưng vẫn chưa đủ.

Hành trình từ chối bỏ đến thừa nhận và hành động đã hơn ba mươi năm, nhưng chưa có khi nào ở Li-băng thì chống tham nhũng lại trở thành nhu cầu và là điều kiện cần thiết cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước như hiện nay, đặc biệt là từ sau vụ nổ tại Beirut vào tháng tám.

Phá vỡ một vòng luẩn quẩn

Kể từ khi ký kết Hiệp định Taif vào năm 1989, kết thúc cuộc nội chiến, các Chính phủ tại Li-băng đã không theo đuổi một kế hoạch toàn diện để giải quyết tham nhũng. Hầu hết trong số họ thậm chí đã không thử đến một lần. Tham nhũng đã “cắm rễ” vào hệ thống chính trị và trở thành một phần tất yếu đối với sự tồn vong của Chính phủ Li-băng.

Rõ ràng là Li-băng cần một cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. Giải pháp này sẽ phải bao trùm và toàn diện hơn; được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh quốc gia phức tạp, bao gồm nhu cầu của người dân và sự nhạy cảm chính trị; và phù hợp với các thực tiễn thành công tới từ các kinh nghiệm và tiêu chuẩn quốc tế liên quan, chẳng hạn như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Li-băng đã trở thành thành viên vào năm 2009.

Tin tốt là cách tiếp cận này đã được thực hiện trong nhiều năm.

Hệ thống luật pháp tốt và ý chí chính trị

Nền tảng của cách tiếp cận chống tham nhũng mới là hạn chế một lối suy nghĩ đã có từ lâu, cho rằng vấn đề là do thiếu thực thi pháp luật. Trên thực tế, vấn đề đó chủ yếu bắt nguồn từ những lỗ hổng lớn trong luật pháp. Những lỗ hổng đó tạo cơ hội cho tham nhũng và bao che, bao gồm trong các lĩnh vực như mua sắm công, các tổ chức tư pháp, quản lý xung đột lợi ích, sử dụng không gian công cộng và tuyển dụng vào các ngành công vụ.

Một nền tảng khác là vượt ra khỏi cách tiếp cận thuần túy theo chủ nghĩa pháp lý. Ngay cả với hệ thống pháp luật tốt, nỗ lực để đảm bảo việc thực hiện đúng yêu cầu cần có một loạt các biện pháp can thiệp cụ thể, và chúng phải được kết nối với nhau, có thể đạt được và có thể đo lường được.

Đây là những gì mà Chiến lược Quốc gia Chống tham nhũng (2020-2025) đầu tiên của nước này đưa ra. Tài liệu, được thông qua vào tháng 5 năm 2020, đưa ra một khuôn khổ tích hợp để hành động ngay lập tức. Nó thừa nhận sự cần thiết của các quy trình và sáng kiến, những yếu tố cũng góp phần nâng cao năng lực thực hiện các luật liên quan, ảnh hưởng đến hành vi của các cá nhân và mở rộng chương trình chống tham nhũng vượt ra ngoài phạm vi chung và trở nên đặc thù cho từng lĩnh vực, bao gồm y tế, hải quan, năng lượng và các lĩnh vực khác. UNDP - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, cũng như các đối tác quốc tế khác, đã cam kết hỗ trợ.

Yếu tố chủ chốt tạo nên thành công của cách tiếp cận mới này, vốn đã phát triển trong những năm qua và được đưa vào Chiến lược Quốc gia Chống tham nhũng, đó chính là ý chí chính trị mạnh mẽ và bền vững. Điều này được thể hiện ở nhiều mặt bao gồm chất lượng của chính sách và pháp luật, các nguồn lực sẵn có để thực thi chúng và sự sẵn sàng tôn trọng pháp quyền của những người có quyền lực.

Một tương lai tươi sáng

Điều quan trọng là phải nghiên cứu các yếu tố đã thúc đẩy sự tiến bộ cho đến nay, bất chấp bất ổn chính trị và sự hỗ trợ trong nước và quốc tế tương đối hạn chế, đồng thời chắt lọc các khuyến nghị có thể đẩy nhanh tốc độ cải cách và tiếp tục tìm ra hướng đi trên chặng đường dài trước mắt. Trong số đó, một số giải pháp nổi bật:

Đầu tư thời gian và nỗ lực vào các cải cách cụ thể và toàn diện nhằm giải quyết nhiều lỗ hổng hiện có trong chính sách, thủ tục và luật pháp.

Xác định các động lực cải cách trong Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp và các cơ quan hành chính Nhà nước, đồng thời thiết lập các thỏa thuận hợp tác chính thức và không chính thức phù hợp với họ - liên minh với những người thuộc các cơ quan này là không thể thiếu.

Tương tác với các bên liên quan khác nhau và các tổ chức phi Chính phủ và hỗ trợ họ nâng cao năng lực kỹ thuật và xây dựng lòng tin giữa họ.

Thiết lập sự hợp tác có ý nghĩa với các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm thực tế và hiểu rõ bối cảnh quốc gia.

Cố định diễn ngôn về cải cách chống tham nhũng trong UNCAC, các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan cũng như kinh nghiệm thực tế cụ thể từ các bối cảnh tương đương - chống tham nhũng không còn là vấn đề nội bộ nữa mà là một chương trình nghị sự toàn cầu.

Tăng cường quyền sở hữu rộng rãi nhất có thể đối với mọi cột mốc đã đạt được, đồng thời neo giữ nó trong các mạng lưới chính thức và không chính thức ở cấp quốc gia và địa phương - càng nhiều, càng mạnh.

Tận dụng nền tảng được tạo ra bởi Chiến lược Quốc gia Chống tham nhũng và hỗ trợ việc thực hiện và phát triển cuối cùng khi cần thiết - đưa các kế hoạch đã đề ra vào thử nghiệm.

Rất khó, thậm chí không thể, để hình dung sự phục hồi kinh tế và tài chính ở Li-băng mà không đưa ra các cải cách quản trị sâu rộng, trong đó chống tham nhũng là vấn đề trung tâm, đặc biệt là sau vụ nổ Beirut. Tuy nhiên, nỗ lực chống tham nhũng phải cố gắng để không rơi vào vòng luẩn quẩn đã thống trị vấn đề này trong ba mươi năm qua. Cách tiếp cận mới mang lại tương lai tươi sáng cho Li-băng, đồng thời đem lại nhiều bài học để duy trì và tăng động lực cho các cải cách chống tham nhũng mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân và tương lai cho các thế hệ tương lai.

Trần Minh Tuấn (Theo UNDP)