GDI năm 2020 được công bố mới đây do Chương trình Quốc phòng và An ninh của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đánh giá và cho điểm 86 quốc gia trên 5 lĩnh vực rủi ro là: Tài chính, tác chiến, nhân sự, chính trị và mua sắm.

Các kết quả được đưa ra trong bối cảnh chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên khoảng 2 nghìn tỷ USD hàng năm, thúc đẩy quy mô và cơ hội cho tham nhũng.

Nhng con s đáng chú ý

62% các quốc gia được đánh giá có điểm tổng thể là bằng hoặc thấp hơn 49 (trên thang điểm 100), cho thấy nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng cao, trên tất cả các khu vực trên thế giới.

New Zealand là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng GDI, là quốc gia duy nhất được xếp hạng A (tức là nguy cơ tham nhũng rất thấp), với số điểm 85/100.

Sudan, nơi mới đây chứng kiến quân đội nắm quyền trong một cuộc đảo chính bạo lực, ở vị trí cuối bảng, với điểm tổng thể chỉ là 5/100.

Điểm trung bình của các nước G20 là 49/100.

leftcenterrightdel
 GDI năm 2020 đánh giá, xếp hạng 86 quốc gia. Nguồn: TI

Một con số nổi bật khác là hầu hết quốc gia đều đạt điểm thấp về các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong các hoạt động quân sự. Điểm trung bình trong lĩnh vực này chỉ là 16/100.

Trong khi đó, 49% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu được bán cho các địa chỉ có nguy cơ tham nhũng quốc phòng từ cao đến nghiêm trọng.

Mi lo ngi đối với các hoạt động quân s

GDI đánh giá sức mạnh của các biện pháp phòng chống tham nhũng trong việc triển khai các hoạt động quân sự, cho dù đó là vì mục đích an ninh nội bộ hay sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.

Chỉ có New Zealand là có nguy cơ tham nhũng thấp trong các hoạt động triển khai quân sự (điểm 71/100), một số quốc gia hoạt động khá tốt trong lĩnh vực này, bao gồm Anh (điểm 53) và Na Uy (50).

Còn lại, 81 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ từ cao đến nghiêm trọng.

Tham nhũng trong buôn bán vũ khí

GDI cho thấy, 86% kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2016-2020 đến từ các quốc gia có nguy cơ tham nhũng từ trung bình đến rất cao trong lĩnh vực quốc phòng.

Trong khi, 49% lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn cầu là đến các địa điểm có nguy cơ tham nhũng quốc phòng từ cao đến nghiêm trọng. Những quốc gia này không cho phép các nhà lập pháp, kiểm toán hoặc xã hội dân sự xem xét kỹ lưỡng các giao dịch vũ khí, cũng như không cung cấp dữ liệu có ý nghĩa về cách họ chọn công ty nào để mua hoặc liệu có bất kỳ bên thứ ba nào tham gia hay không.

Sự thiếu minh bạch này tạo ra một cánh cửa rộng mở cho hối lộ, công quỹ bị lãng phí và vũ khí lọt vào tay các băng nhóm tội phạm hoặc nhóm nổi dậy.

Trước tác động tàn khốc đối với cuộc sống con người và an ninh mà vấn nạn tham nhũng tiếp tục gây ra thông qua hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên toàn cầu, điều quan trọng là các chính phủ xuất khẩu và nhập khẩu phải có những biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ và đảm bảo minh bạch.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: ti-defence.org 

Theo bà Natalie Hogg, Giám đốc Chương trình Quốc phòng và An ninh của TI: “Những kết quả này cho thấy, hầu hết các lĩnh vực quốc phòng và an ninh trên thế giới đều thiếu các biện pháp bảo vệ thiết yếu chống lại tham nhũng. Tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng làm suy yếu lực lượng quốc phòng, làm suy yếu khả năng cung cấp an ninh cho người dân, bảo đảm biên giới quốc gia và mang lại hòa bình. Trong trường hợp xấu nhất, tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng có khả năng làm trầm trọng thêm xung đột hơn là để đối phó với nó một cách hiệu quả".

Cũng theo bà Natalie Hogg, việc nhiều quốc gia tích cực nhất tham gia vào các hoạt động can thiệp quốc tế nhưng lại thiếu các biện pháp bảo vệ chống tham nhũng trong các hoạt động quân sự là điều đặc biệt đáng lo ngại.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ được nêu trong GDI 2020 hành động dựa trên những phát hiện này. Cần phải tăng cường các biện pháp bảo vệ chống tham nhũng và gỡ bỏ bức màn bí mật vốn thường ngăn cản sự giám sát có ý nghĩa đối với khu vực quốc phòng. Điều quan trọng là họ phải đưa chống tham nhũng vào trung tâm của tất cả các hoạt động quân sự để ngăn chặn tham nhũng và tác động tàn phá của nó đối với người dân trên khắp thế giới", lãnh đạo Chương trình Quốc phòng và An ninh của TI nhấn mạnh.

GDI là đánh giá toàn cầu duy nhất về quản trị và rủi ro tham nhũng trong các lĩnh vực quốc phòng. Trước đây nó được gọi là Chỉ số chống tham nhũng quốc phòng của chính phủ (GI). Ở phiên bản 2020, Chỉ số có sự điều chỉnh lớn, bao gồm các thay đổi đối với phương pháp luận và cho điểm. Cũng bởi vậy, không thể so sánh chính xác điểm số quốc gia từ phiên bản 2020 này với điểm số quốc gia từ các lần trước của Chỉ số.

Để có những đánh giá chính xác, nhóm chuyên gia của TI đã thu thập bằng chứng từ nhiều nguồn khác nhau và những người được phỏng vấn trên 77 lĩnh vực, với mục tiêu đánh giá chi tiết về tính liêm chính của các thể chế quốc phòng. Tất cả dữ liệu đã được công bố trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2021.

Hoài Phương