Báo cáo của TI cho thấy, năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 (với 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất).

Trong bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước năm qua đã được ghi nhận.

Cùng với Maldives, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nepal, Việt Nam là quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cải thiện đáng kể về CPI - chỉ số đánh giá mức độ tham nhũng khu vực công.

Cụ thể, Maldives (40 điểm, tăng 11 điểm kể từ năm 2019), Lào (31 điểm, tăng 10 điểm kể từ 2012), Trung Quốc (45 điểm, tăng 8 điểm kể từ 2015), Hàn Quốc (63 điểm, tăng 6 điểm kể từ 2018) và Nepal (34 điểm, tăng 5 điểm kể từ 2014).

Theo TI, điểm CPI trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 tiếp tục ở mức 45 trên thang điểm 100 trong năm thứ tư liên tiếp.

Đứng đầu khu vực là New Zealand (điểm CPI: 87), Singapore (83), Hong Kong (76) và Australia (75). Trong khi Afghanistan (24), Campuchia (24), Myanmar (23) và Triều Tiên (17) đạt điểm thấp nhất.

Cũng theo TI, bất chấp những khó khăn mà khu vực phải đối mặt, vẫn có nhiều cơ hội vào năm 2023 để các chính phủ cam kết chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, các diễn đàn quốc tế cũng cung cấp không gian cho những hành động mới.

Đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu và các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng trên toàn cầu đang thúc đẩy một làn sóng bất ổn mới. Trong một thế giới vốn đã bất ổn, các quốc gia không giải quyết được vấn đề tham nhũng càng làm trầm trọng thêm các tác động.

Trong một đánh giá khái quát, TI cho biết, Chỉ số CPI năm nay cho thấy, bên cạnh những quốc gia đạt tiến bộ, có tới 124 quốc gia có hành động chống tham nhũng trì trệ, trong khi số quốc gia suy giảm các cải thiện đang gia tăng. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất, vì hòa bình toàn cầu đang xấu đi và tham nhũng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của việc này.

Trong môi trường phức tạp này, TI nhấn mạnh, chống tham nhũng, thúc đẩy minh bạch và củng cố các thể chế là rất quan trọng để tránh xung đột hơn nữa và duy trì hòa bình.

Kể từ năm 1995, TI đã công bố Chỉ số CPI hàng năm. Đây là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điểm số càng cao có nghĩa là càng minh bạch và ít tham nhũng hơn.

Chỉ số cho điểm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên nhận thức về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Điểm số phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh.

Hoài Phương