Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và Hiệp hội Minh bạch - Không tham nhũng Lebanon, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19 và vụ nổ cảng Beirut năm ngoái. Tình trạng này đã nhấn chìm Lebanon vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. 70% dân số Lebanon thuộc danh sách nghèo đói, trong khi giá lương thực tăng cao, một thảm họa về khả năng tiếp cận nước sắp xảy ra và hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ.

Tình hình hiện tại ở quốc gia Trung Đông này cho thấy rõ ràng là, những người ra quyết định không có khả năng gạt bỏ những bất đồng và việc họ không thành lập Chính phủ là hành vi vi phạm Hiến pháp.

TI và Hiệp hội Minh bạch - Không tham nhũng Lebanon lên án hành động thiếu thiện chí nêu trên của các chính trị gia và kêu gọi họ khẩn trương thành lập Chính phủ.

Bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI cho biết: “Người dân Lebanon xứng đáng có một Chính phủ gồm các chính trị gia liêm chính cũng như có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công và quản lý thiên tai... Hơn nữa, họ (các chính trị gia) phải không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nghi ngờ nào về tham nhũng và không có bất kỳ xung đột nào giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng”.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Minh bạch Lebanon, tiến sĩ Mosbah Majzoub, nhấn mạnh: “Công lý cần thiết cho gia đình các nạn nhân của vụ nổ cảng Beirut không thể đạt được nếu không thiết lập pháp quyền, quản trị tốt và minh bạch. Họ xứng đáng được tổ chức một cuộc điều tra độc lập và một phiên tòa công bằng để chứng minh trách nhiệm và áp dụng các hình phạt do pháp luật quy định đối với thủ phạm”.

Khi đã được thành lập, Chính phủ mới cần phải khởi động một kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội với sự tham gia của các tổ chức quốc gia và nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, theo TI, điều này sẽ chỉ thành công nếu họ duy trì pháp quyền và quản trị tốt bằng cách ưu tiên các hành động sau:

Th nht, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ xã hội và trợ giúp một cách hiệu quả, minh bạch.

Th hai, thông qua các nghị định thi hành cho tất cả luật đang chờ phê duyệt trước Hội đồng Bộ trưởng - vốn đang ngăn cản việc thực thi khoảng 60 luật - đặc biệt là những luật liên quan đến quản trị tốt trong hành chính công và chống tham nhũng trong khu vực công.

Th ba, thành lập Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia để giúp thực hiện Luật Chống tham nhũng.

Th tư, làm việc với Nghị viện để thông qua luật về tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Th năm, đảm bảo một cuộc điều tra minh bạch về vụ nổ cảng Beirut.

Th sáu, sử dụng số dư quyền rút vốn đặc biệt (SDR) sẽ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp cho Ngân hàng Trung ương Lebanon một cách hiệu quả và minh bạch.

leftcenterrightdel
 Hàng triệu người dân Lebanon phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, thiếu điện do khủng hoảng nhiên liệu. Ảnh: UNICEF

 

Trước TI, Liên đoàn Arab cũng lên tiếng hối thúc Lebanon nhanh chóng thành lập Chính phủ nhằm tạo điều kiện thực hiện ngay những cải cách cần thiết.

Trong tuyên bố ngày 28/8, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit nhấn mạnh, bước đi trên sẽ cho phép cộng đồng quốc tế và các nước Arab tham gia hiệu quả vào quá trình “giải cứu Lebanon”.

Lebanon đã không có Nội các Chính phủ kể từ ngày 10/8/2020, khi Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab từ chức sau các vụ nổ ở cảng Beirut làm hơn 200 người chết và hàng nghìn người bị thương.

Ngày 22/10/2020, ông Saad Hariri được bổ nhiệm làm Thủ tướng, nhưng đã không thành lập được Nội các mới do những bất đồng với Tổng thống Michel Aoun về danh sách thành viên.

Ngày 26/7/2021, ông Najib Mikati - một doanh nhân giàu có - đã giành đủ số phiếu trong các cuộc tham vấn của cơ quan lập pháp để nhận đề cử làm Thủ tướng chỉ định, và được Tổng thống Michel Aoun trao quyền thành lập một Chính phủ mới.

Sau khi được giao trọng trách, ông Mikati khẳng định sự cần thiết thành lập Chính phủ mới "sớm nhất có thể" và quyết định thực hiện mục tiêu này "nhằm tránh tình hình đất nước trở nên xấu hơn".

Lebanon đang phải ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế mà theo Ngân hàng Thế giới (WB), đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.

Các nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ Lebanon hàng trăm triệu USD, với điều kiện các chính trị gia nước này phải thành lập một bộ máy Nội các có thể tiến hành cải cách, giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Ngay cả trước khi các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, tham nhũng có hệ thống đã tràn lan ở Lebanon. Với số điểm thấp (25 trên thang điểm 100), Lebanon được đánh giá là quốc gia tụt hạng đáng kể trong chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020, đã giảm 5 điểm kể từ năm 2012.
Ngọc Anh