TII gọi tham nhũng là "đại dịch thứ hai" trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Giữa bối cảnh số ca nhiễm virus corona gia tăng chưa từng có trên khắp đất nước, các nguồn lực rất cần thiết cho phản ứng với COVID-19, bao gồm oxy, thuốc men, xe cứu thương, giường và máy thở ở Ấn Độ đang được cung cấp cho bệnh nhân với giá “cắt cổ”.

Theo TII, mọi khía cạnh của điều trị COVID-19 đều là cơ hội để tham nhũng ở Ấn Độ.

"Đã đến lúc các chính quyền (các bang và lãnh thổ hợp nhất) nên chủ động quản lý các rủi ro tham nhũng xuất hiện do sự bất bình thường giữa cung và cầu trong thời kỳ đại dịch", Rama Nath Jha - Giám đốc Điều hành TII kêu gọi và cho rằng, các chính quyền ngay lập tức cần tiến hành một cuộc trấn áp "chợ đen" các mặt hàng và dịch vụ y tế thiết yếu trên toàn quốc.

Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về về điều trị COVID-19, TII nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập "quan hệ đối tác mang tính xây dựng và thiết thực" giữa các chính quyền, xã hội dân sự và các tổ chức từ thiện để tăng cường ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

TII cũng yêu cầu tất cả chính quyền ngay lập tức thiết lập "phòng kiểm soát chống tham nhũng" lên đến cấp huyện để hỗ trợ công tác giám sát chống tham nhũng dựa trên điện thoại hoặc các nền tảng công nghệ khác.

Ấn Độ hiện đang trải qua làn sóng COVID-19 kinh hoàng với các kỷ lục liên tục được lập mới về số ca mắc và ca tử vong. Trong ngày 5/5, nước này ghi nhận kỷ lục: 412.784 ca mới và 3.980 người chết trong một ngày.

Đại dịch đã có tác động sâu sắc hơn với những gia đình nghèo. Theo các chuyên gia, nếu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 không được tăng cường và virus không được ngăn chặn vào cuối tháng 5/2021, đại dịch có thể có tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, gây mất việc làm, giảm thu nhập lớn và điều đó có thể đẩy nhiều người Ấn Độ hơn nữa vào cảnh nghèo đói.

Trong khi đó, việc phân bổ hàng cứu trợ, vật tư y tế đang bị cho là chậm trễ và thiếu minh bạch.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn tại Ấn Độ từ tháng trước, hàng chục nước đã cam kết viện trợ vật tư, trang thiết bị y tế quan trọng cho nước này.

Hàng triệu USD vật tư cứu trợ từ nước ngoài đã cập bến Ấn Độ ít nhất một tuần qua, song đa số vẫn nằm im tại các kho bãi.

Các y bác sĩ và giới chức địa phương liên tục báo cáo về tình trạng thiếu hụt vật tư, trang bị, khiến hệ thống y tế đứng bên bờ vực sụp đổ. Thực tế này khiến không ít người, kể cả các nhà tài trợ nước ngoài, đặt câu hỏi "hàng viện trợ đã đi đâu?".

Cách đây ít ngày, vào tối 4/5, Chính phủ Ấn Độ ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc về việc chậm trễ phân bổ hàng cứu trợ, khẳng định họ đã thiết lập một "cơ chế hợp lý" để đưa vật tư y tế đến nơi cần. Nhưng trên thực tế, nhiều bang và chính quyền địa phương khẳng định, họ nhận được rất ít hoặc không có bất kỳ thông báo nào từ chính quyền trung ương liên quan đến cách thức hay thời gian hàng cứu trợ sẽ đến tay họ.

Raghu Sharma, lãnh đạo y tế bang Rajasthan cho biết: "Chúng tôi đã cử các phái đoàn đến thủ đô để tìm hiểu về tình trạng nguồn oxy, thuốc thang và vắc xin nhưng không được làm rõ".

Chính quyền trung ương đã "để các bang chìm trong bóng tối giữa đại dịch", ông Raghu Sharma nói, đồng thời kêu gọi thiết lập một "môi trường minh bạch hơn".

Ngọc Anh