Theo bà Deborah Lyons, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã nhiều lần tuyên bố rằng, chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, hiện nay, tham nhũng vẫn đang là một thách thức lớn đối với đất nước này.

Cuối tuần qua, bà Deborah Lyons, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan kiêm người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) đã có báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một phiên họp trực tuyến về tình hình Afghanistan.

Bà Deborah Lyons lưu ý, sự miễn trừ của các quan chức chính trị được kết nối vẫn là một trở ngại lớn trong công cuộc chống tham nhũng ở Afghanistan.

“Giống như nhiều quốc gia khác, Afghanistan tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Điều này làm xói mòn niềm tin của người dân và cộng đồng tài trợ, thúc đẩy cuộc xung đột đang diễn ra ở đây. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ trong những năm trước về cải cách chống tham nhũng, nhưng những tiến bộ này đã chậm lại trong năm qua, với những cải cách thể chế quan trọng bị bỏ qua, bao gồm cả việc thành lập một ủy ban độc lập chống tham nhũng - một việc hết sức quan trọng. Sự miễn trừ đối với các nhân vật chính trị được kết nối rõ ràng vẫn đang là một vấn đề lớn. Do đó, những bổ sung về tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng là rất quan trọng", đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan nói.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã mô tả tham nhũng là một vấn đề lớn của Afghanistan.

Trong khuôn khổ phiên họp trực tuyến về tình hình Afghanistan, các báo cáo viên cũng đánh giá cao một số tiến triển về chính trị thời gian qua ở nước này, đặc biệt là việc Chính phủ và phe đối lập đã đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực vào ngày 17/5, việc Chính phủ thành lập đoàn đàm phán hòa bình với 20% thành phần là phụ nữ, quá trình trao trả tù binh đã có kết quả nhất định và đàm phán hòa bình có thể diễn ra tại Doha, Qatar vào đầu tháng 7 tới.

Bên cạnh đó, các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực có chiều hướng gia tăng trong những tuần qua cũng như về tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình hình an ninh, kinh tế -xã hội và nhân đạo tại Afghanistan...

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã ghi nhận một số tiến triển về chính trị ở Afghanistan; bày tỏ quan tâm đặc biệt về tình hình an ninh và tác động của đại dịch COVID-19 đối với Afghanistan; lên án các cuộc tấn công nhắm vào thường dân, kêu gọi các bên liên quan ở Afghanistan sớm bắt đầu tiến trình đàm phán hòa bình, trong đó thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình này; đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ với UNAMA.

Hoài Phương