Theo luật mới quy định, từ nay trở đi, những quan chức lãnh đạo của những liên đoàn thể thao đặt tại Thụy Sĩ, khi bị nghi ngờ, cáo buộc có hành vi tham nhũng, rửa tiền, sẽ bị cơ quan tư pháp điều tra, làm rõ và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có tội.

“Với luật mới này, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thể thao sẽ bị coi như là tội hình sự. Đây được cho là bước tiến đầu tiên trong chiến dịch làm “sạch” nền thể thao thế giới” - Roland Buchel, nghị sĩ Đảng Liên minh Dân chủ Thụy Sĩ (UDC) nhấn mạnh.

Cũng theo nghị sĩ Roland Buchel, luật mới đã đưa ra lời cảnh báo rất rõ ràng, những quan chức thể thao người nước ngoài hoạt động tại Thụy Sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Luật cũng đồng nghĩa với việc, các tổ chức thể thao - vốn từ trước đến nay vẫn được hưởng quyền miễn trừ truy tố của Thụy Sĩ, cũng như được hưởng những ưu ái về thuế như đối với những tổ chức phi lợi nhuận - nay sẽ phải chịu sự kiểm soát của hệ thống luật và quy định chống tham nhũng, chống rửa tiền.

Luật mới sẽ cho phép cơ quan tư pháp Thụy Sĩ được chính thức điều tra tất cả những hành vi tham nhũng liên quan đến quan chức lãnh đạo của các tổ chức thể thao đặt tại Thụy Sĩ, cũng như điều tra gia đình của những quan chức này.

“Luật FIFA” cũng cho phép cơ quan điều tra được yêu cầu các ngân hàng buộc phải cung cấp thông tin về tất cả hoạt động tài chính khả nghi của các tổ chức bị điều tra, đồng thời phong tỏa tài khoản của cá nhân, tổ chức bị điều tra. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ, khi kết thúc điều tra, sẽ phải chi trả mọi khoản tài chính do những cá nhân, tổ chức bị điều tra gây nên.

Nhận định về luật mới này, phát ngôn viên của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cho rằng, FIFA hoàn toàn ủng hộ “Luật FIFA” của Thụy Sĩ, bởi những biện pháp áp dụng trong luật sẽ cho phép bảo vệ tính liêm chính trong thể thao, tăng cường nỗ lực chống tham nhũng trong thể thao.

Bản thân FIFA, trước những cáo buộc tham nhũng trong thời gian qua liên quan đến nhiều quan chức lãnh đạo của tổ chức này, đã mở cuộc điều tra nội bộ, đồng thời chuyển cho cơ quan tư pháp Thụy Sĩ hồ sơ, tài liệu “những dấu hiệu đáng ngờ về hành vi bí mật chuyển tài sản sang quốc gia khác của những cá nhân bị nghi ngờ tham nhũng, rửa tiền”.

Bên cạnh FIFA, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) - tổ chức từng bị “dính” bê bối “phân phát” quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2002 cho TP Salt Lake City (bang Utah, miền Tây Hoa Kỳ), cũng cho rằng, luật mới của Thụy Sĩ sẽ đưa ra các biện pháp tích cực nhằm làm minh bạch hơn hoạt động thể thao.

Chủ tịch IOC Thomas Bach khẳng định: “IOC hoàn toàn ủng hộ luật mới, đồng thời đánh giá rất cao sáng kiến quan trọng của các nhà làm luật ở Thụy Sĩ. Việc làm này của Thụy Sĩ cũng giống như những việc mà IOC đã từng làm trước đây. Bản thân IOC đã từng đề nghị các tổ chức kiểm toán quốc tế độc lập tiến hành kiểm tra IOC. Ngay cả các tài khoản của IOC cũng được tạo lập và liên tục được kiểm tra, kiểm toán bởi các tổ chức tín dụng tài chính tầm cỡ và có uy tín trên thế giới”.

Nhận định về hiệu quả của “Luật FIFA”, nghị sĩ Đảng UDC Roland Buchel cho rằng, luật mới này chỉ áp dụng đối với các tổ chức thể thao quốc tế đặt tại Thụy Sĩ. Như vậy, sẽ có nhiều tổ chức thể thao quốc tế đặt ngoài Thụy Sĩ, chẳng hạn như Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), không bị ràng buộc. “Đây là một điểm rất đáng tiếc, nhưng chúng tôi hy vọng, trong vòng 2 năm nữa, sẽ cố gắng đàm phán để đạt được thỏa thuận với các quốc gia có liên quan, để sửa đổi lại luật mới này theo hướng áp dụng với tất cả các tổ chức thể thao quốc tế đặt tại các quốc gia đó. Còn hiện tại, nếu tổ chức thể thao quốc tế nào muốn rời khỏi Thụy Sĩ để không bị ràng buộc bởi Luật FIFA, chúng tôi sẵn sàng “chúc thượng lộ bình an””, nghị sĩ Roland Buchel nhấn mạnh.

Nhật Minh