Trước các nguy cơ tác động trực tiếp đến sự sống và kế sinh nhai của hàng triệu người dân, 6 cơ quan đại diện của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại khu vực Nam Phi đã lên tiếng kêu gọi Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) tăng cường các biện pháp phản ứng của Chính phủ đối với đại dịch toàn cầu, bảo đảm không có thêm những ca tử vong vì tham nhũng.

Mua sắm công có vai trò thiết yếu và có thể cứu sống nhiều người dân trong bối cảnh đại dịch, nhưng cũng là lĩnh vực mang đến nhiều cơ hội cho tham nhũng sinh sôi, nảy nở.

Bởi thế, dù tính khẩn cấp của vấn đề yêu cầu việc mua sắm hàng hóa phải nhanh chóng và hành động quyết đoán, nhưng việc bảo đảm tiền đến được đúng nơi mà nó cần nhất cũng quan trọng không kém.

6 cơ quan đại diện của TI tại khu vực Nam Phi đưa ra 4 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ các nước cần quan tâm hành động để chống tham nhũng trong dịch Covid-19, bao gồm: Mua sắm công, tố giác tham nhũng, tự do thông tin báo chí và hỗ trợ phát triển.

1. Mua sắm công

Mua sắm công được đánh giá là lĩnh vực có mức rủi ro cao. Chính phủ các nước cần thúc đẩy tính minh bạch cao hơn thông qua quy trình mua sắm công trực tuyến công khai. Đồng thời bảo đảm rằng, các nội dung chi tiết của hợp đồng khu vực công, bao gồm chủ sở hữu lợi ích thực sự đứng sau các công ty ẩn danh, cũng như giá cả, chất lượng và sự cung cấp dịch vụ là có thể theo dõi, giám sát và đáp ứng với cuộc khủng hoảng dịch bệnh vẫn chưa đạt tới đỉnh ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, cần phải tăng cường hơn nữa việc giám sát, răn đe và ngăn cản các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động thương mại không công bằng, bao gồm cả việc nâng giá, gian lận đối với những mặt hàng thiết yếu như khẩu trang phẫu thuật, đồ bảo hộ y tế.

2. Tố giác tham nhũng

Các Chính phủ cần bảo vệ "người thổi còi" - những người vạch trần các hành vi sai trái và ngăn chặn mọi hình thức trả thù có thể xảy ra chống lại những người tố giác tham nhũng.

3. Tự do thông tin, tự do báo chí

Các Chính phủ khu vực Nam Phi nên có chính sách tự do thông tin, tự do báo chí và khuyến khích sự tham gia, đóng góp ý kiến của công dân. Cùng với đó, cần thúc đẩy việc trao đổi thông tin y tế theo cách đáng tin cậy, ngăn ngừa truyền bá thông tin sai lệch.

4. Hỗ trợ phát triển

Các quỹ khẩn cấp được cung cấp bởi các nhà tài trợ và cơ quan phát triển quốc tế phải được cung cấp, sử dụng đi kèm với nguồn lực phục vụ việc giám sát và kiểm toán. Ngoài ra, việc phân phối viện trợ lương thực trong đại dịch phải được thực hiện công bằng và không dựa trên lợi ích chính trị, đảng phái. Hơn nữa, các Chính phủ cần bảo đảm quy trình kiểm toán thích hợp và cơ chế giám sát, đánh giá được đưa ra để ngăn chặn sử dụng tiền sai mục đích. Cuối cùng, các Chính phủ nên cung cấp thông tin ở định dạng mở, minh bạch và cập nhật thường xuyên về việc sử dụng quỹ hỗ trợ của các nhà tài trợ.

Giải quyết các rủi ro ở Zimbabwe và Nam Phi

Ở Zimbabwe, cơ quan đại diện của TI đang làm việc để hỗ trợ các công dân lên tiếng chống tham nhũng không chỉ trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên kênh truyền hình Zimbabwe, TI Zimbabwe đã thảo luận liên quan đến nghiên cứu gần đây về các rủi ro tham nhũng trong viện trợ nhân đạo và kêu gọi công dân liên lạc với họ để báo cáo các vụ tham nhũng liên quan đến dịch bệnh Covid-19 hoặc các vấn đề khác.

Tương tự, Cơ quan Chống tham nhũng Nam Phi (Corruption Watch) đã cùng với hơn 100 tổ chức quốc gia kêu gọi hành động để kết nối các nhà lãnh đạo Chính phủ với cộng đồng, liên quan đến một số khuyến nghị quan trọng trong bối cảnh Covid-19, bao gồm thông tin minh bạch hơn trong phản ứng khẩn cấp.

Ở Nam Phi đang tồn tại vấn đề tham nhũng viện trợ lương thực. Một quan chức chính quyền địa phương gần đây bị cáo buộc giữ lại các suất thực phẩm dành cho những người ủng hộ Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) - Đảng cầm quyền Nam Phi. Những cáo buộc tương tự cũng được báo cáo ở một số tỉnh trên cả nước.

Nhìn lại bài học từ dịch Ebola

Đại dịch do virus corona mới gây ra trên phạm vi toàn cầu được đánh giá là chưa từng có. Nhưng trước đó, các quốc gia châu Phi từng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, với sự bùng phát dịch Ebola hồi năm 2014 - 2016, qua đó đã cho thấy những bài học đắt giá về tham nhũng trong dịch bệnh. Chúng ta có thể học hỏi để tránh đi lại "vết xe đổ" khi đối mặt với Covid-19 hiện nay.

Bài học đó là, dù tài trợ khẩn cấp là rất quan trọng, nhưng sự thiếu minh bạch của việc chuyển các khoản tiền lớn trong cuộc khủng hoảng Ebola đã để lộ ra những lỗ hổng tham nhũng lớn. Hội Chữ thập đỏ Quốc tế ước tính, tham nhũng bùng phát tại Guinea và Sierra Leone đã làm "bốc hơi" hơn 6 triệu USD ngay trong bối cảnh dịch bệnh.

Việc cần làm: Bảo đảm tính minh bạch trên toàn khu vực Nam Phi

Các nước miền Nam châu Phi có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia và khu vực khác bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đồng thời, tận dụng kinh nghiệm trước đây trong việc chống dịch Ebola để bảo đảm rằng, tham nhũng không khiến các nước phải trả giá thêm bằng mạng sống của chính những người dân dễ bị tổn thương nhất.

Xác định được những rủi ro tham nhũng trước khi các khoản giải ngân lớn được thực hiện, bảo đảm tiền được sử dụng đúng mục đích. Chính phủ các nước cần đặc biệt quan tâm tới giám sát hoạt động mua sắm công và các khoản tài trợ. Đối với các tổ chức tài trợ, cho vay, cần đề cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình khi thực hiện giải ngân các quỹ khẩn cấp, nhằm giúp các Chính phủ ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, bảo vệ cuộc sống của người dân.

Hoài Phương