Trong thời điểm khủng hoảng dịch bệnh này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là bảo đảm rằng, các nguồn lực kinh tế được sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích nhằm bảo vệ sự sống và sinh kế.

IMF đã giúp các nước cải thiện hệ thống quản trị và chống tham nhũng như thế nào?

Từ năm 2018, IMF đã thông qua Chương trình khung về Tăng cường cam kết trong quản trị. Kể từ đó, IMF đã tham gia vào các cuộc thảo luận chuyên sâu và thẳng thắn hơn với các nước thành viên trong bối cảnh những vấn đề về quản trị kém, tham nhũng có thể làm suy yếu hiệu quả hoạt động của nền kinh tế và đe dọa lợi ích của công dân. Những cuộc thảo luận này diễn ra thông qua một số nguồn ý tưởng. Đó là:

Giám sát việc thực hiện Điều IV: Các nhóm quốc gia của IMF tiến hành phân tích những vấn đề về quản trị và tham nhũng, từ đó đưa ra những khuyến nghị cụ thể để tăng cường quản trị tốt và giải quyết tham nhũng, bao gồm cả việc chống tham nhũng xuyên quốc gia.

Các chương trình cho vay: Điều kiện có liên quan đến quản trị được đưa vào các chương trình cho vay, khi mà những vấn đề về quản trị là rất quan trọng để đạt được mục tiêu của các chương trình cho vay đối với những quốc gia thành viên.

Phát hiện về quản trị: IMF tiến hành các nghiên cứu phát hiện chi tiết để giúp xác định những cải cách cụ thể nhằm tăng cường quản trị trên một loạt lĩnh vực.

Phát triển năng lực: IMF cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo sâu rộng trong các lĩnh vực quản trị tài khóa, giám sát trong lĩnh vực tài chính, quản trị ngân hàng trung ương, các biện pháp chống rửa tiền và khung chương trình chống tham nhũng.

Nghiên cứu và tiếp cận: IMF có một chương trình nghị sự rộng lớn về phân tích và nghiên cứu về các vấn đề quản trị cũng như một loạt hoạt động tiếp cận để thúc đẩy sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, học viện và các tổ chức xã hội dân sự (CSO) khác về chủ đề này.

IMF có thể giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm với các khoản tài chính khẩn cấp trong thời gian khủng hoảng vì COVID-19 như thế nào?

Trước đại dịch COVID-19, IMF duy trì cam kết giải quyết các lỗ hổng quản trị và tham nhũng ở các quốc gia thành viên. Quỹ đang nỗ lực để cân bằng giữa nhu cầu tài trợ COVID-19 ngay lập tức với bảo đảm trách nhiệm giải trình và minh bạch phù hợp, sao cho tốt nhất có thể, để sự trợ giúp tài chính đến được với những người thực sự cần.

Những khoản tài trợ khẩn cấp của IMF được cung cấp trước và thực hiện giải ngân toàn bộ. Điều này dẫn tới thực tế là có ít vùng để gắn các điều kiện đi kèm như đối với các chương trình tài trợ truyền thống.

Bởi vậy, IMF đang nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm, bảo đảm nguồn lực kinh tế được sử dụng cho mục đích như đã dự định. Các giải pháp bao gồm:

Một là, yêu cầu chính quyền các nước thành viên cam kết trong Thư hợp đồng về Mục đích của gói hỗ trợ khẩn cấp, để bảo đảm rằng, gói hỗ trợ được sử dụng cho mục đích rất cấp bách là giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại và không chuyển hướng cho các mục đích khác. Thư này được công bố bởi quốc gia thành viên và cũng được công khai trên trang web của IMF.

Hai là, đánh giá về các biện pháp quản lý tài chính công, chống tham nhũng và chống rửa tiền, IMF có thể yêu cầu các nước thành viên đưa ra đánh giá mà không trì hoãn quá mức các khoản giải ngân cần thiết.

Lấy ví dụ, IMF đã yêu cầu các quốc gia thành viên có đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cần cam kết: (i) báo cáo tăng cường về chi tiêu liên quan đến khủng hoảng; (ii) thực hiện và xuất bản kiểm toán độc lập về chi tiêu liên quan đến khủng hoảng; (iii) bảo đảm tính minh bạch trong mua sắm (như công khai các hợp đồng mua sắm); và/hoặc (iv) ngăn chặn xung đột lợi ích và tham nhũng bằng cách công khai thông tin sở hữu lợi ích của các công ty được trao hợp đồng mua sắm.

Các trường hợp cụ thể:

Tại Gabon, chính quyền đã cam kết: (i) báo cáo hàng quý về việc chi tiêu các quỹ khẩn cấp; (ii) ủy nhiệm một cơ quan kiểm toán độc lập đối với những chi tiêu này trong vòng 6 tháng kể từ khi giải ngân và công bố kết quả kiểm toán; (iii) công bố các hợp đồng mua sắm liên quan và thông tin sở hữu lợi ích của các công ty nhận được những hợp đồng đó.

Tại Moldova, chính quyền cam kết: (i) công khai thông tin về mua sắm công liên quan đến cuộc khủng hoảng và chủ sở hữu lợi ích của các công ty ký hợp đồng với Chính phủ; (ii) tiếp tục thực thi chương trình khung về chống rửa tiền và chế độ kê khai tài sản; (iii) chịu trách nhiệm trước cuộc kiểm toán chuyên môn bởi Phòng báo cáo kế toán Tòa án về mọi chi tiêu để giảm thiểu tác động của khủng hoảng và công khai báo cáo kiểm toán.

Tại Nigeria, chính quyền cam kết: (i) tăng cường vai trò của Hội đồng Kiểm toán liên bang trong chống tham nhũng và chương trình khung về kê khai tài sản; (ii) thực hiện đầy đủ cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro đối với giám sát AML/CFT trong khi vẫn bảo đảm tính minh bạch về quyền sở hữu lợi ích của những người chịu trách nhiệm pháp lý; (iii) tạo ra các dòng ngân sách cụ thể để tạo thuận lợi cho việc theo dõi và báo cáo chi tiêu khẩn cấp, công bố báo cáo về quỹ cũng như chi tiêu phát sinh hàng tháng trên cổng thông tin điện tử một cách minh bạch (địa chỉ: http://opentreasury.gov.ng/); (iv) công bố kế hoạch mua sắm, thông báo mua sắm đối với tất cả hoạt động ứng phó khẩn cấp (bao gồm tên các công ty được trao hợp đồng và chủ sở hữu lợi ích) trên trang web của Cục Mua sắm công; (v) công bố báo cáo kiểm toán độc lập về các khoản chi ứng phó khẩn cấp và quy trình mua sắm liên quan, không muộn hơn từ 3 đến 6 tháng kể từ sau khi kết thúc năm tài chính, việc này do Tổng Kiểm toán liên bang thực hiện.

Những biện pháp nêu trên thường được khuyến khích như là cách thức hiệu quả để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm. Các cam kết tương tự đã được thực hiện ở Afghanistan, Bolivia, Cộng hòa Dominican, Cộng hòa Kyrgyzstan, Mauritania, Pakistan, São Tomé và Príncipe…

Ba là, bảo đảm rằng các nguồn lực kinh tế khẩn cấp tuân theo chính sách “Đánh giá An toàn” của IMF. Những đánh giá này mang đến sự bảo đảm cho IMF rằng, một chương trình khung về quản trị, báo cáo và kiểm soát của ngân hàng trung ương là đủ để quản lý các nguồn lực kinh tế, trong đó bao gồm những khoản giải ngân của IMF.

Khi có những thiếu sót, IMF đưa ra các khuyến nghị theo thời gian và giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Vì tài trợ khẩn cấp được cung cấp như một khoản giải ngân thanh toán trước, nên những đánh giá như vậy sẽ được tiến hành sau khi giải ngân, nhưng trước khi phê duyệt bất cứ khoản tài trợ tiếp theo nào cho quốc gia thành viên dưới thỏa thuận tài chính dài hạn mang tính truyền thống hơn.

Bốn là, tiếp tục đính kèm những biện pháp quản trị và chống tham nhũng đối với thỏa thuận tài chính dài hạn ở các quốc gia này, bảo đảm sự liên tục thực hiện của IMF đối với Chương trình khung về Tăng cường cam kết trong quản trị (năm 2018). Nhiều quốc gia hiện đang nhận hỗ trợ khẩn cấp đã có thỏa thuận tài chính dài hạn với IMF hoặc sẽ sớm tìm kiếm những thỏa thuận như vậy. Các thỏa thuận dài hạn được đánh giá là phù hợp hơn so với tài trợ khẩn cấp để giải quyết những vấn đề mang tính lâu dài hơn, làm nền tảng cho các quốc gia có quản trị kém và tham nhũng.

Hoài Phương (Theo IMF)