Theo ông Børge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chúng ta không chỉ kêu gọi các nhà lãnh đạo đấu tranh cho một nền văn hóa liêm chính và quản trị tốt mà còn cần đảm bảo rằng, các nỗ lực phục hồi toàn cầu của chúng ta không bị tham nhũng làm chệch hướng.

Khi xác định các con đường cần thiết để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và chuẩn bị các điều kiện cho một quá trình khôi phục lớn rất cần thiết, chúng ta cũng phải tập trung vào những thách thức lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi này. Trong đó, đáng chú ý nhất là cuộc chiến chống lại tham nhũng, tìm kiếm sự tin cậy và tính liêm chính cao hơn trong thể chế của các hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị.

Chúng ta có một cơ hội duy nhất để phục hồi đúng đắn và tạo ra một xã hội bền vững nếu chúng ta đặt quản trị tốt, minh bạch, trách nhiệm giải trình làm trọng tâm của mọi nỗ lực và hiện thực hóa một nền kinh tế phục vụ lợi ích của tất cả mọi người.

Việc có một sân chơi không đồng đều sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, góp phần gây ra bất bình đẳng xã hội và cản trở sự đổi mới, cùng nhiều tác động tiêu cực khác. Người ta ước tính rằng, chi phí tham nhũng hàng năm ở cấp độ toàn cầu lên tới 3,6 nghìn tỷ USD. Khoảng 1 nghìn tỷ USD trong số đó được trả hối lộ mỗi năm. Những khoản này có thể làm suy yếu sức tác động của 10 nghìn tỷ USD đã được cam kết và đang bắt đầu được triển khai như một phần của các gói kích thích và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện về tiền bạc. Trong nhiều trường hợp, thiệt hại về nhân mạng có thể bắt nguồn từ tham nhũng. Một ước tính chỉ ra rằng, khoảng 500 tỷ USD dành cho lĩnh vực y tế bị mất bởi tham nhũng mỗi năm. Điều này có ảnh hưởng đến việc sản xuất và mua sắm thuốc men, thiết bị y tế, gây nguy hiểm cho việc cung cấp kịp thời ở những nơi cần nhất.

Khi mọi người trên khắp thế giới đang đặt rất nhiều niềm tin vào việc sản xuất và phân phối vắc xin COVID-19 để đánh bại đại dịch, chúng ta cần một cách tiếp cận hiệu quả để đảm bảo tham nhũng không cản trở việc phân phối vắc xin một cách công bằng.

Chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình cho từng cá nhân, nhưng cũng không nên quên đây là một thách thức tập thể. Chúng ta chỉ có thể đạt được thành tựu khi làm việc cùng nhau.

Dưới đây là 3 hành động có thể tạo ra sự khác biệt trong việc cải tiến phương pháp tiếp cận chống tham nhũng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới:

1. Mở rộng quy mô triển khai công nghệ

Công nghệ đã nổi lên như một trong những đồng minh lớn nhất của sự minh bạch và là công cụ quan trọng chống lại tham nhũng. Đặc biệt, 3 công nghệ nổi bật trong việc mang lại giá trị cho các doanh nghiệp và Chính phủ để bảo vệ các điểm dễ bị tổn thương là: Blockchain, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cấp cao tạo ra cái nhìn sâu sắc, nhìn thấu được bên trong, có thể được sử dụng để ngăn chặn, phát hiện và vạch trần tham nhũng tốt hơn. Theo Gartner - công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, phân tích dữ liệu đang đạt đến giai đoạn “slope of enlightment” (tạm dịch: dốc của sự khai sáng) - khi sản phẩm đã có những kết quả thật sự, nhiều công ty tham gia phát triển công nghệ này hơn.

Đối với blockchain, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã hợp tác với Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và Văn phòng Tổng Thanh tra Colombia để phát triển một nghiên cứu mang tính toàn diện về cách công nghệ blockchain có thể được sử dụng để chống lại tham nhũng của khu vực công trong các quy trình mua sắm công. Nghiên cứu này đã xác nhận rõ ràng giá trị của blockchain trong việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mua sắm công.

Các công cụ khác hiện đang được khám phá bởi Trung tâm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền tảng Công nghệ cho sự liêm chính của Sáng kiến Đối tác Phòng chống Tham nhũng (PACI).

leftcenterrightdel
 Ành: John Towner/Unsplash
 

2. Đảm bảo ESG, bao gồm quản trị tốt

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã dẫn đến rất nhiều sự chú ý về yếu tố môi trường trong báo cáo ESG (Environmental, Social and Governance -  tạm dịch: môi trường, xã hội và quản trị. Báo cáo ESG là một bộ các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của một doanh nghiệp mà các nhà đầu tư có ý thức xã hội sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng).

Tuy nhiên, theo WEF, yếu tố “G” cũng phải được xem là khẩn cấp và ưu tiên. Bởi, nếu không có sự quản trị hiệu quả, chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp mọi thứ khác. Để minh chứng điều này, hãy nhớ lại bê bối Enron và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cách đây không lâu, hồi tháng 9 năm 2019, tại Hội nghị thượng đỉnh về Tác động phát triển bền vững, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố một bộ chỉ số ESG chung cho báo cáo kinh doanh. 21 chỉ số cốt lõi và 35 chỉ số mở rộng này được tổ chức trên 4 trụ cột - quản trị, hành tinh, con người, sự thịnh vượng - và phục vụ như một lộ trình để điều chỉnh hiệu quả kinh doanh với lợi ích của các bên liên quan.

Với quản trị, chống tham nhũng là một trong những thước đo cốt lõi để báo cáo việc tạo ra giá trị bền vững. WEF tin rằng, những chỉ số này sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đầu tư nhiều nỗ lực hơn vào yếu tố “G” giúp xây dựng một nền văn hóa liêm chính vững chắc, một trong những nền tảng của việc chống tham nhũng.

3. Tư duy có hệ thống và hành động tập thể

Điều tuyệt vời và cần thiết là các tổ chức phải hành động (chống tham nhũng - PV) nội bộ và tự hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề này quá phức tạp, liên quan đến nhau, không có ranh giới và quy mô cũng như tác động cần thiết không thể đạt được bởi chỉ một tổ chức hoặc một nhóm liên quan.

Thông qua Hội đồng Tương lai Toàn cầu (GFC) về Minh bạch và Chống tham nhũng, PACI đã đẩy nhanh việc thực hiện chương trình nghị sự về liêm chính trong kinh doanh, một khuôn khổ 4 trụ cột do các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau xây dựng nhằm tạo ra tiếng nói cho các doanh nghiệp về cách cải thiện tính liêm chính.

PACI đang dẫn đầu về các sáng kiến hành động tập thể, chẳng hạn về việc tranh thủ những người gác cổng trong cuộc chiến chống lại những dòng tài chính bất hợp pháp. Phối hợp với GFC, Sáng kiến StAR của UNODC - Ngân hàng Thế giới và những người giữ cổng chuyên nghiệp, PACI hiện đang phát triển "Khung thống nhất" (Unifying Framework) về thực tiễn và chính sách nhằm mục đích điều phối và hài hòa phản ứng của những người gác cổng đối với các dòng tài chính bất hợp pháp.

Giải quyết hiệu quả vấn đề tham nhũng đòi hỏi tư duy có hệ thống và hành động tập thể của nhiều nhóm bên liên quan.

* Bài viết của Børge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Pedro Gabriel Gomez Pensado, Trưởng ban Hợp tác Sáng kiến Chống Tham nhũng, Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Hoài Phương