Sau nhiều ngày xét xử, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm của TAND thị xã Bỉm Sơn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội lại kháng nghị đề nghị hủy bản án phúc thẩm?

Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2014, Công ty TNHH Long Sơn được Thủ tướng chấp thuận đầu tư xây dựng (ĐTXD) Nhà máy Xi măng Long Sơn, Thanh Hóa.

Ngày 21/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn chấp thuận chủ trương, địa điểm ĐTXD nhà máy tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

Tháng 11/2014, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn ban hành quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án. Ông Vũ Đức Cường, khi ấy là Chủ tịch UBND phường Đông Sơn được phân công là Tổ trưởng.

Đến tháng 4/2015, thị xã Bỉm Sơn thực hiện việc luân chuyển cán bộ.

Ngày 6/4/2015, Thị ủy có quyết định công nhận bổ sung Bí thư Đảng ủy phường Đông Sơn (nhiệm kỳ 2013-2015) với ông Vũ Đức Cường.

Ngày 19/5/2015, UBND thị xã Bỉm Sơn có quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND phường Đông Sơn đối với ông Cường.

Tuy nhiên, ngày 8/10/2018, Công an thị xã Bỉm Sơn nhận được đơn tố cáo của công dân cho rằng, trong thời gian làm Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ GPMB xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn, ông Cường đã lập khống hồ sơ để chiếm đoạt tiền của ngân sách Nhà nước.

Ngày 24/12/2018, Công an thị xã Bỉm Sơn khởi tố vụ án hình sự với ông Vũ Đức Cường về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, sau đó thay đổi quyết định khởi tố ông Cường về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 28/8/2020, sau 5 ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND thị xã Bỉm Sơn tuyên án đối với 4 bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Vũ Đức Cường (cựu Chủ tịch UBND phường Đông Sơn) 6 năm tù; Dương Thị Hà (cựu công chức địa chính phường Đông Sơn) 5 năm 6 tháng tù; Vũ Mạnh Quyến (cựu phó bí thư chi bộ khu phố Đông Thôn, phường Đông Sơn) 30 tháng tù; Nguyễn Văn Kỳ (lao động tự do) 24 tháng tù nhưng cho 2 bị cáo này hưởng án treo.

Nhiều chứng cứ chưa được làm rõ, tòa phúc thẩm yêu cầu điều tra lại

Nhận thấy bản án sơ thẩm xét xử không khách quan, ông Cường đã có đơn kháng cáo.

Ngày 31/3/2021, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử phúc thẩm.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, ngày 5/4, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên bản án phúc thẩm số 54/2021/HS-PT.

Theo bản án phúc thẩm, cơ quan tố tụng thị xã Bỉm Sơn đã có vi phạm trong quá trình xét xử.

Đầu tiên, về biên bản xét duyệt nguồn gốc đất, danh sách niêm yết công khai ngày 19/3/2015 và biên bản kết thúc niêm yết công khai ngày 6/4/2015, trong đó có 3 hộ dân không có đất bị thu hồi nhưng có tên trong danh sách nhận đền bù là bản photocopy. Trong giai đoạn sơ thẩm, cơ quan tố tụng đã không thu giữ được bản chính của những tài liệu này; đồng thời không làm rõ được lý do vì sao không có bản chính.

Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm nhận định: “Việc tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào những tài liệu photocopy không có chữ ký sống của các bị cáo để làm căn cứ buộc tội là một trong những thiếu sót về việc đánh giá chứng cứ và vi phạm này không thể khắc phục được tại tòa án cấp phúc thẩm, do vậy cần phải điều tra lại để thu thập bản gốc những tài liệu này hoặc làm rõ vì sao không có những bản gốc tài liệu này.”

Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng thị xã Bỉm Sơn cũng cho rằng bị cáo Cường có hành vi bàn bạc với Hà để lập khống 3 hồ sơ bồi thường, Cường gọi điện thoại nhờ 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế ký vào hồ sơ do Hà đem xuống và khi được nhận tiền thì Cường gọi điện cho Kỳ và Quyến đến nhận và hướng dẫn họ đưa tiền cho Hà.

Về nội dung này, HĐXX phúc thẩm khẳng định: “Qua tài liệu có trong hồ sơ như lời khai 3 người là Quyến, Kỳ, Quế có nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ, chưa có tài liệu nào thể hiện việc bị cáo Cường trao đổi cũng như chỉ đạo bị cáo Dương Thị Hà thực hiện hành vi nêu trên”.

Thêm nữa, cấp sơ thẩm xác định, Cường chỉ đạo Hà lập khống hồ sơ cũng như nhờ 3 hộ dân (Quyến, Kỳ, Quế) ký vào hồ sơ khống với động cơ vụ lợi (hưởng tiền bồi thường trái pháp luật của Công ty TNHH Long Sơn). Tuy nhiên, chưa có tài liệu để chứng minh bị cáo Cường được hưởng lợi gì, không được bất kỳ ai chia cho khoản tiền nào từ số tiền hơn 605 triệu mà Công ty TNHH Long Sơn đã bồi thường sai đối tượng.

Cấp sơ thẩm cũng kết luận, UBND phường Đông Sơn đang quản lý diện tích đất mà 3 hộ lập hồ sơ bồi thường, tuy nhiên cấp sơ thẩm không đưa UBND phường Đông Sơn tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ảnh hưởng đến quyền lợi của UBND phường liên quan đến việc Công ty TNHH Long Sơn phải chi trả bồi thường, hỗ trợ cho UBND phường và đây là vi phạm về tố tụng mà cấp phúc thẩm không khắc phục được.

Tại giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn thu giữ các phương tiện điện tử (máy tính xách tay, điện thoại di động, USB...) đã không tiến hành niêm phong theo quy định; điện thoại Iphone 7 của Vũ Đức Cường mua cuối năm 2016 thì lại bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Tòa cấp phúc thẩm nhận định: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục về thu giữ vật chứng”.

Từ những nhận định nêu trên, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên Bản án phúc thẩm số 54/2021/HS-PT, ngày 5/4/2021 và quyết định: Hủy một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 28/8/2020 của TAND thị xã Bỉm Sơn về tội danh, hình phạt đối với bị cáo Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà. Giao hồ sơ cho Viện KSND thị xã Bỉm Sơn để điều tra lại theo thủ tục chung.

Quyết định khó hiểu của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội?

Gửi đơn tới Báo Thanh tra, ông Vũ Đức Cường cho biết: Hơn 2 tháng sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, ngày 21/6, tôi nhận được Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 30/QĐ-VC1-HS của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội do ông Phạm Quốc Khánh - Phó Viện trưởng ký.

Tại quyết định này, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm: Hủy Bản án phúc thẩm số 54/2021/HS-PT của TAND tỉnh Thanh Hóa và giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HSST ngày 28/8/2020 của TAND thị xã Bỉm Sơn.

“Một bản án sơ thẩm có rất nhiều vi phạm thủ tục tố tụng đã được TAND tỉnh Thanh Hóa chỉ ra, nhưng Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội lại đồng tình giữ nguyên bản án sơ thẩm là việc làm rất khó hiểu” - ông Cường bày tỏ.

Luật sư Trần Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Quốc Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Cường tại phiên tòa phúc thẩm, cho biết: Điểm mấu chốt của vụ án này là tại phiên tòa phúc thẩm đã làm rõ các tài liệu chứng cứ như biên bản xét duyệt nguồn gốc đất, danh sách niêm yết công khai 49 hộ dân ngày 19/5/2015, trong đó có 3 hộ dân không có đất bị thu hồi, nhưng có tên trong danh sách nhận đền bù và biên bản kết thúc niêm yết công khai ngày 6/4/2015, đều là bản photocopy và có dấu hiệu làm giả.

Cơ quan Cảnh sát điểu tra, Công an thị xã Bỉm Sơn không thu được bản gốc các tài liệu nêu trên mà chỉ có bản photocopy đóng dấu sao y bản chính (Số chứng thực 842 ngày 23/8/2016 do ông Trần Văn Hán, Chủ tịch UBND phường Đồng Sơn ký đóng dấu). Tuy nhiên, trong sổ chứng thực tại UBND phường Đông Sơn thì ngày 23/8/2016, ông Hán không hề chứng thực các tài liệu trên. Số chứng thực 842 là thuộc ngày 22/8/2016 và ông Hán chứng thực cho bà Mai Thị Huệ bằng tốt nghiệp, CMND, hộ khẩu, khai sinh.

Theo quan sát của chúng tôi thì các văn bản, tài liệu trên có nhiều dấu hiệu được cắt ghép làm giả bởi các thành phần trong biên bản không có ai ký mà chỉ có chữ ký của Dương Thị Hà và Vũ Đức Cường là chữ ký photocopy không ghi chức danh.

“Rất nhiều khả năng chữ ký và dấu của Vũ Đức Cường được cắt dán từ tài liệu khác. Đây là những tài liệu quan trọng làm căn cứ để buộc tội Vũ Đức Cường lại không đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ quy định tại Điều 86 và Khoản 1 Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự, nên HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để đièu tra lại là hoàn toàn chính xác” - luật sư Hùng nói.      

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!  

TTH