Đây là lần thứ 4 mở phiên xét xử, 3 lần trước vì các lý do khác nhau nên phiên tòa đã mở nhưng rồi sau đó lại hoãn.

Tại phiên tòa, luật sư Bùi Khắc Toản (người bào chữa cho nguyên đơn) và ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương đều khẳng định đất ông Chung được ký hợp đồng với UBND xã Cúc Phương là đất hoang và đến năm 2013 thì UBND tỉnh Ninh Bình mới ký Quyết định số 14 thu hồi với diện tích là 10.550m2, trong khi đó theo hợp đồng ông Chung đã ký với UBND xã Cúc Phương là 34.500m2 và ông khai hoang thêm tổng cộng là hơn 42.000m2 thì đương nhiên ông là người sẽ tiếp tục được sử dụng.

Sau thời gian nghị án, Thẩm phán Nguyễn Văn Cường, Chủ tọa đã tuyên án: Giữ nguyên Bản án Sơ thẩm của TAND tỉnh Ninh Bình là bác yêu cầu của ông Chung khởi kiện Quyết định số 476 ngày 24/9/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc giải quyết đơn khiếu nại (lần 2) đối với ông Chung.

Cũng tại phiên tòa, Thẩm phán đã tuyên ông Nguyễn Thành Chung không phải nộp án phí sơ thẩm và thông báo việc UBND huyện Nho Quan đã ký quyết định không thu hồi số tiền 93 triệu đồng đã đền bù không đúng cho ông Chung trước đó.

Đội vốn bất thường gấp ba lần, từ hơn 226 tỷ lên 675 tỷ đồng

Trở lại vụ việc, như trước đó Báo Thanh tra đã phản ánh: Dự án (D.A) cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung nằm trên phạm vi 3 xã của huyện Nho Quan bao gồm: Văn Phú, Văn Phương và Cúc Phương do UBND huyện làm chủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được thực hiện từ năm 2008, nhưng đến nay (năm 2021) vẫn chưa hoàn thành.

Ngày 13/3/2011, tại Quyết định số 580/QĐ-UBND của UBND huyện Nho Quan, DA có tổng mức đầu tư 226,791 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị 146,108 tỷ đồng, chi phí quản lý DA 14,611 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 50 tỷ đồng, chi phí dự phòng 16,072 tỷ đồng.

Ngày 18/10/2011, UBND huyện Nho Quan có Quyết định số 752/QĐ-UBND về việc bổ sung kinh phí cho DA. Theo đó, mỗi công đoạn nâng lên để rồi sau nhiều lần bổ sung thì chi phí xây lắp và thiết bị từ 146 tỷ đồng ban đầu vọt lên hơn 535 tỷ đồng, chi phí quản lý DA từ hơn 14 tỷ đồng cũng “nhảy” lên gần 30 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và đền bù từ 50 tỷ đồng tăng lên 80 tỷ đồng, chi phí dự phòng từ 16 tỷ đồng cũng không “yên vị” chạy lên con số 30 tỷ đồng.

Sau một thời gian dài thi công, một số hạng mục được hoàn thành song những phần quan trọng dường như lại bị… bỏ ngỏ khiến cả DA gần như “đắp chiếu” không phát huy tác dụng. Đó là tuyến đường ven hồ còn khoảng 1,5km chưa thi công, tuyến đập mới còn khoảng 100m chưa khép kín, nạo vét lòng hồ, kênh thoát lũ sau tràn và các công trình trên kênh...  Đặc biệt, 100m tuyến đập mới chưa khép kín và hiện 18 hộ đồng bào dân tộc Mường vẫn ở lòng hồ khiến công trình chưa có tác dụng ngăn lũ như mục tiêu của DA đề ra. 

Vậy là, tổng kinh phí cho công trình từ chỗ 226,7 tỷ đồng vọt lên hơn 675 tỷ đồng, đội vốn gấp 3 lần.

Vì lý do cạn vốn, đến ngày 1/12/2016, UBND tỉnh phê duyệt quyết toán hồ Thường Xung là hơn 316 tỷ đồng và còn nợ phải trả gần 29 tỷ đồng.

Hồ Thường Xung nằm trong vùng ảnh hưởng của sông Hoàng Long với nguồn nước từ Hưng Thi (Hoà Bình) và nước từ các triền núi thuộc địa bàn xã Cúc Phương, Văn Phú chảy về. Nếu theo mục tiêu DA cải tạo, nâng cấp hồ, dòng nước từ Thường Xung hoà cùng hồ Hang Trải và Nước Lộ (xã Văn Phú) có thể tích trữ được khoảng 4 triệu mét khối sẽ góp phần điều hoà lượng nước mùa mưa và cấp nước mùa khô cho bốn xã trên địa bàn. Cho nên, khâu quan trọng nhất của DA là khu tái định cư, mặc dù được quyết toán giai đoạn I là 80 tỷ đồng, nhưng 18 hộ nằm trong lòng hồ vẫn phải đợi vì… hết tiền! Mặt khác, đập tràn chưa hàn khẩu thì DA cũng như giai đoạn ban đầu, không có tác dụng điều hoà nước mùa mưa, cấp nước mùa khô.

Tiền Nhà nước có dấu hiệu bị thất thoát nhưng huyện Nho Quan vẫn im lặng

Ngày 20/3/2013, UBND huyện Nho Quan ban hành Quyết định số 483 phê duyệt dự toán bổ sung bồi thường, hỗ trợ GPMB công cải tạo đất cho 4 hộ gia đình tại xã Văn Phú khi thực hiện GPMB của D.A đầu tư nâng cấp, cải tạo hồ Thường Xung với số tiền hơn 406 triệu đồng vì các hộ này không trực tiếp khai hoang, cải tạo đất đai.

Tuy nhiên, PV liên hệ với 4 hộ có tên trong quyết định chi trả thì cả 4 hộ đều cho biết, không hề biết gì về Quyết định 483. Họ không ký, cũng không nhận được bất cứ đồng tiền nào.

Trước sự việc này, ngày 3/6/2014, UBND huyện Nho Quan đã ban hành Thông báo số 82 về kết quả giải quyết đơn đề nghị phản ánh đã nêu: Qua xem xét, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 305 ngày 25/2/2014 về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 483. Đồng thời, đã và đang chỉ đạo về xem xét xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc tham mưu giúp UBND huyện Nho Quan ban hành Quyết định số 483.

6 ngày sau khi ký Quyết định 483 và phải trả lại hơn 406 triệu đồng, ngày 26/3/2013, UBND huyện Nho Quan ký tiếp Quyết định 484 về việc phê duyệt dự toán bổ sung bồi thường, hỗ trợ GPMB D.A cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung.

Quyết định cho biết, đã phê duyệt dự toán bổ sung bồi thường, hỗ trợ GPMB tại xã Cúc Phương với số tiền hơn 1 tỷ 170 triệu đồng.

Mới đây, PV Báo Thanh tra đã về xác minh thông tin, tìm một số hộ có tên trong danh sách chi trả theo Quyết định 484, thì được biết đến thời điểm hiện tại (cuối năm 2020) đã hơn 7 năm qua họ không hề biết đến quyết định này và cũng không nhận và không ký vào danh sách nhận tiền từ phía cơ quan chức năng.

PV nhiều lần đến UBND huyện Nho Quan để liên hệ trực tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm, chỉ duy nhất câu trả lời là lãnh đạo huyện “bận” mà việc bận này đã diễn ra trong nhiều tháng qua, thậm chí cả năm đều bận.

Đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sớm chỉ đạo giải quyết để làm rõ số tiền gần 2 tỷ đồng đã được UBND huyện Nho Quan chi đi đâu, về túi ai?

Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung đội vốn bất thường (gấp 3 lần), đề nghị Thanh tra tỉnh Ninh Bình khẩn trương thanh tra, làm rõ, phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm, tham nhũng, lãng phí, thu hồi tài sản bị thất thoát về cho nhà nước, nếu có.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Nam Dũng