Lô tài sản gồm 59.085 cây cao su thanh lý lấy gỗ nằm trên phần diện tích 137,59ha tại các nông trường Hòa Bình, Yachim, Ngọc Wang, Tân Cảnh của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum được đơn vị này giao cho Công ty Đấu giá hợp danh Thịnh Trí (địa chỉ: Tầng 1, số 04 đường Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3 TP. Hồ Chí Minh) đứng ra tổ chức đấu giá (lần 2).

Theo kế hoạch, ngày 4/6/2021 tới đây, phiên đấu giá sẽ được tổ chức, nhưng ngay từ thời điểm mở bán hồ sơ vào ngày 24/5 đã gây ra những bức xúc cho khách hàng. Vì trong hồ sơ đấu giá, phía chủ tài sản đã đưa ra hàng loạt “rào cản” để hạn chế khách hàng tham gia như phải có: 01 hợp đồng mua tài sản là cây cao su thanh lý của Nhà nước có diện tích ít nhất 50ha trong thời gian 02 năm gần đây; xác nhận bằng văn bản của người có tài sản là khách hàng đã hoàn thành các công việc cưa cắt cây cao su, móc gốc, san lấp hố, dọn đốt nhánh, cày phá và hoàn trả mặt bằng sạch đúng tiến độ, đúng chất lượng.

leftcenterrightdel
 Những cây gỗ cao su có đường kính to, giá trị kinh tế cao bị cưa cắt đầu tiên

Bức xúc trước việc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tự ý đặt ra các “rào cản” phi lý, trái Điều 38 Luật Đấu giá tài sản, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ cây cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum đồng loạt ký gửi đơn “kêu cứu” tới lãnh đạo tỉnh nhà, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các cơ quan chức năng.

Theo đó, từ năm 2016, với chính sách tốt và môi trường kinh doanh lành mạnh tại Kon Tum, nhiều doanhh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gỗ cây cao su với kỳ vọng rất lớn về vùng nguyên liệu chính là diện tích cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đang bước vào thời kỳ thanh lý để tái canh. Trên thực tế, tất các các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ tại tỉnh Kon Tum nhiều năm nay không thể tham gia mua đấu giá gỗ cây cao su thanh lý từ đơn vị này!?

Ông Huỳnh Hùng Lực, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Gia Nguyễn cho biết: Giai đoạn những năm 2017 - 2020, khi Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thực hiện việc thanh lý tái canh cây cao su, các doanh nghiệp trên địa bàn đã không có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu. Vì chủ tài sản chỉ phân bổ số cây thanh lý cho các đơn vị sản xuất cùng trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum giao Công ty Đấu giá hợp danh Thịnh Trí đứng ra bán đấu giá, nhưng tại đưa ra các điều khoản bất hợp lý như trên. “Điều này thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ cây cao su trên địa bàn. Các tiêu chí bất cập được lập ra để nhằm loại trừ doanh nghiệp thu mua chế biến gỗ cao su thanh lý trên địa bàn” - ông Huỳnh Hùng Lực chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Máy chế biến băm gỗ cao su được lắp đặt ngay tại khu vực cưa cắt

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Bùi Quang Vinh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vinh Dung cho biết: “Với ưu thế gần nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất tốt, máy móc phương tiện, nhân công sẵn có, tiết kiệm được chí phí vận chuyển, các doanh nghiệp chế biến sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum hoàn toàn có thể trả giá lô tài sản đấu giá trên với giá thành cao nhất, cạnh tranh nhất, đem lại nguồn thu tối đa nhất cho ngân sách Nhà nước”.

“Chúng tôi là những doanh nghiệp hàng năm đóng góp nhiều tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách địa phương, tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động… Nhưng với thực trạng thiếu nguyên liệu sản xuất tại địa phương, trong khi cây cao su thanh lý tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum từ nhiều năm nay được chuyển ra khỏi địa bàn bằng nhiều phương thức tinh vi, với nhiều lý do khó hiểu, đang đẩy các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng sản xuất, phá sản” - ông Bùi Quang Vinh nói.

leftcenterrightdel
Các đoàn xe tải lớn ngày đêm chở gỗ cao su khai thác chưa qua đấu giá ra khỏi khu vực 

Trước những điều khoản phi lý do Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tự ý áp đặt, bà Phạm Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Phúc Nhân đề nghị: “Các cơ quan chức năng trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẩn trương xem xét lại tiêu chí tham gia đấu giá một cách thấu đáo, đúng pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh đúng với bản chất của đấu giá”.

Được biết, nếu phiên đấu giá 137,59ha gỗ cây cao su thanh lý lần này thành công, thì giá trúng sẽ là cơ sở để xác định giá bán theo cơ chế phân bổ 318,98ha gỗ cây cao su còn lại của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Do vậy, nếu để xảy ra tình trạng hạn chế người mua, dìm giá trúng xuống thấp sẽ gây rất thất thoát lớn cho ngân sách.

leftcenterrightdel
Chỉ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum mới biết số gỗ khai thác không qua đấu giá này được chở đi đâu về đâu?

Trước đó, ngày 17/2/2021, Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô được Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thuê đã tổ chức bán đấu giá (lần 1) lô hàng nói trên. Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai với giá trúng là: 18.937.177.000 đồng, chỉ cao hơn giá khởi điểm ban đầu 190.000.000 đồng!?

Ngay sau khi công bố kết quả, Báo Thanh tra đã có loạt bài viết phản ánh chỉ rõ những vi phạm trong công tác tổ chức đấu giá tài sản. Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô không đăng thông bán báo bán đấu giá công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản, vi phạm nghiêm trọng Luất Đấu giá tài sản năm 2016.

Do vậy, ngày 19/4/2021, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã ban hành quyết định hủy bỏ kết quả bán đấu giá (lần 1) và có Báo cáo số 364/BC-HĐTVCSKT gửi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc xử lý bán đấu giá 137,59ha cây cao su thành lý nói trên theo hướng tổ chức bán đấu giá lại (lần 2) và thuê cho Công ty Đấu giá hợp danh Thịnh Trí đứng ra tổ chức.

Quang Đông