Đang rơi vào tình cảnh khó khăn

Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản Xuất khẩu Như Xuân (Công ty Nông lâm sản Như Xuân), đóng trên địa bàn xã Hóa Quỳ, huyện miền núi Như Xuân. Sản phẩm của công ty chủ yếu là sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.


 Hàng hóa của Công ty Nông lâm sản Như Xuân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Ảnh: VT

Thế nhưng, kể từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, các đơn vị nhận hàng của công ty bị ảnh hưởng, các cửa khẩu phải tạm thời đóng cửa nên lượng hàng hóa tinh bột sắn làm ra bị tồn đọng, không xuất bán được. Công ty rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết những khó khăn trong mùa dịch, đơn vị đang phải thực hiện các thủ tục vay ngân hàng hỗ trợ tiền lương cho người lao động.

Bất thình lình đòi cưỡng chế thuế


 Trong lúc thực hiện cách ly toàn xã hội, doanh nghiệp gặp khó khăn thì Chi cục Thuế Khu vực Như Thanh - Như Xuân lại ra văn bản cưỡng chế thuế. Ảnh: VT

Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch Công ty Nông lâm sản Như Xuân cho biết, những năm trước đây Công ty Nông lâm sản Như Xuân sản xuất, làm ăn ổn định, hằng năm đóng nhiều tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ, chính quyền địa phương. Việc gần đây do làm ăn khó khăn, nhất là do tình hình dịch bệnh Covid 19 dẫn đến công ty không xuất bán được hàng, tồn kho rất nhiều, lượng hàng hóa xuất khẩu chỉ đạt 60% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, với mong muốn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, khi có lời kêu gọi của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, công ty đã ủng hộ 500 triệu đồng, 2 máy khử khuẩn trị giá 100 triệu đồng và dành toàn bộ khu trung tâm thương mại 15.200m2 với 150 giường tại Khách sạn Như Xuân làm khu cách ly tập trung.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung cao độ, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống dịch, giãn cách xã hội, không để dịch lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân. Đồng thời phải có ngay những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Ngoài ra, Chính phủ còn có các gói hỗ trợ tín dụng hàng nghìn tỷ cho các doanh nghiệp vay ưu đãi để phục hồi doanh nghiệp.

Cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hoá đang thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 1/4/2020, thế nhưng ngày 17/4/2020 ông Nguyễn Quang Lợi, Phó Chi cục Thuế Khu vực Như Thanh – Như Xuân lại bất ngờ ra Văn bản số 200/CCT-KTr đề nghị Công ty Nông lâm sản Như Xuân cung cấp số hiệu các tài khoản tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng, số tiền hiện có của các tài khoản, sao kê các giao dịch qua tài khoản trong vòng 3 tháng gần nhất kể từ khi nhận được văn bản này. Nếu quá thời hạn 3 ngày làm việc, đơn vị không cung cấp thì Chi cục Thuế Khu vực Như Thanh – Như Xuân sẽ thực hiện phong tỏa các tài khoản và tiến hành các biện pháp bước cưỡng chế theo quy định của pháp luật. 

“Lẽ ra, trong lúc này lãnh đạo Chi cục Thuế Khu vực Như Thanh – Như Xuân phải xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế của chúng tôi để có kế hoạch trình miễn, giãn nợ thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng thì mới đúng. Đằng này lại tìm cách phong tỏa, cưỡng chế tài khoản của công ty thì khác nào đẩy chúng tôi vào chỗ chết. Tôi đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp nghiên cứu, xử lý nghiêm minh những cán bộ cố tình làm trái chủ trương của Đảng, Nhà nước trong lúc này”, ông Hạnh nói.


Văn bản của Chi cục Thuế Khu vực Như Thanh - Như Xuân có nội dung đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin tài khoản để thực hiện cưỡng chế thuế. Ảnh: VT 

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về vụ việc, ông Nguyễn Quang Lợi, Phó Chi cục Thuế Khu vực Như Thanh – Như Xuân cho biết: Đúng là có việc Chi cục Thuế ra văn bản yêu cầu Công ty Nông lâm sản Như Xuân cung cấp tài khoản tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng để thực hiện việc cưỡng chế nợ thuế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản thông báo chứ chưa thực hiện cưỡng chế thì doanh nghiệp đã có đơn phản ánh.

“Hiện Công ty này nợ thuế quá 90 ngày hơn 4 tỷ đồng, còn lại là tiền chậm nộp, chúng tôi làm văn bản này cũng là theo mẫu của ngành thôi. Vẫn biết lúc này dịch Covid-19 phức tạp, đơn vị nào cũng khó khăn, chúng tôi ra văn bản vào thời điểm này là chưa hợp lý. Chỉ vì nhiệm vụ thôi”, ông Lợi nói.

Hơn lúc nào hết, Cục Thuế Thanh Hóa là đơn vị cấp trên của Chi cục Thuế Khu vực Như Thanh – Như Xuân cần sớm giải đáp những thắc mắc, kiến nghị về việc làm của cấp dưới đối với doanh nghiệp trên địa bàn trong lúc này đã đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính hay chưa?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.  

Văn Thanh