Bản án sơ thẩm số 02/2022 ngày 18/1/2022 của Tòa án nhân dân TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang căn cứ vào điểm c Khoản 2, khoản 4 Điều 192; điểm s, q Khoản 1; Khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 35; Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thảo phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” với số tiền 500 triệu đồng để sung vào ngân sách Nhà nước. Trong khi tại Khoản 2 Điều 192, Bộ luật Hình sự quy định mức án là từ 5 đến 10 năm tù giam. 

Người có bệnh tâm thần nhưng vẫn điều hành 2 doanh nghiệp kinh doanh gas giả

Hồ sơ vụ án cho biết: Vào lúc 11h30 phút ngày 7/12/2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Hậu Giang (Phòng Cảnh sát Kinh tế) tiến hành kiểm tra bắt quả tang nhân viên của Doanh nghiệp Tư nhân gas Chín Thảo (DN Gas Chín Thảo, tại ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, Hậu Giang) do ông Nguyễn Văn Thảo điều hành đang chiết nạp khí LPG vào chai LPG (hay gọi là bình gas) nhãn hiệu TTA gas của Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phân phối gas Thành Tài và SaigonPetro của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh để bán cho đại lý bia - gas - nước suối Tâm Lai do anh Nguyễn Thanh Tâm (SN 1981, cư trú tại ấp An Hòa, xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) làm chủ nên đã tiến hành lập biên bản.

Qua điều tra, ông Nguyễn Văn Thảo khai nhận: Mặc dù, ông Nguyễn Văn Ngay (là em trai ruột của ông Thảo) là chủ DN Gas Chín Thảo nhưng thực tế doanh nghiệp này thuộc quyền sở hữu của Nguyễn Văn Thảo vì ông Thảo đã đứng tên chủ Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Văn Thảo nên không đứng tên chủ doanh nghiệp thứ 2.

Ông Thảo là người trực tiếp liên hệ với cơ quan chức năng xin thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp rồi cho ông Ngay ký tên vào hồ sơ.

Sau khi DN Gas Chín Thảo được thành lập, ngày 9/3/2015 ông Nguyễn Văn Ngay ủy quyền quản lý, điều hành và quyết định tất cả mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vô thời hạn cho anh trai là ông Nguyễn Văn Thảo, từ đó ông Ngay không còn tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ngày 01/01/2016, DN Gas Chín Thảo ký hợp đồng mua bán khí dầu hóa lỏng số 02 với Công ty Cổ phần Dầu khí V-Gas (địa chỉ: số 1A/8, đường Châu Văn Lồng, khu phố Long Điềm, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) (hiệu lực hợp đồng là 1 năm) nên năm 2017, 2018 thì doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng mua gas của Công ty Cổ phần Dầu khí V-Gas để kinh doanh.

Ngoài ra, DN Gas Chín Thảo không ký hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng với một doanh nghiệp gas đầu mối nào khác. 

Theo điều khoản quy định trong hợp đồng đại lý tiêu thụ khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG giữa Công ty Cổ phần Dầu khí V-Gas với DN Gas Chín Thảo và biên bản thỏa thuận cho phép chiết nạp vào chai chứa LPG nhãn hiệu V-GAS, PM-GAS, PICNIC-GAS được ký kết hàng năm giữa hai bên thì sản phẩm, nhãn hiệu mà DN Gas Chín Thảo chi bao tiêu, phân phối gas mang nhãn hiệu V-GAS, PM-GAS, PICNIC-GAS, được phép chiết nạp LPG vào các vỏ bình gas mang nhãn hiệu V-GAS, PM-GAS, PICNIC-GAS của Công ty Dổ phần Dầu khí V-Gas, gas được chứa trong bình gas loại 12kg, 15kg, 45kg, 48kg. DNTN gas Chín Thảo chỉ được phép phân phối sản phẩm tại thị trường ở các tỉnh, thành: Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau.

“Sau một thời gian kinh doanh, nhằm mục đích tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp nên từ năm 2016 ngoài việc kinh doanh nhãn hiệu V-gas thì Nguyễn Văn Thảo đã chỉ đạo cho nhân viên và người thân là bà Chiêm Ngọc Muồi (vợ ông Thảo) và Nguyễn Thị Tuyết (con dâu) thực hiện việc bán các sản phẩm gas mang nhãn hiệu khác mà doanh nghiệp không có ký hợp đồng như: TTAGas, Elf gas, Shell gas, Totalgaz, SaigonPetro ...” - Bản án số 02 ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Thảo là người trực tiếp đi thị trường (chào bán hàng và đại diện doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các đại lý, cửa hàng... bán gas nhãn hiệu V-Gas, đối với nhãn hiệu khác V-Gas thì không có ký hợp đồng. Sau đó, khi mua gas thì khách hàng sẽ liên lạc qua điện thoại gp bà Muồi hoặc Tuyết đặt hàng. Từ đó, về sau việc quản lý, phân công nhân viên chiết nạp gas, tài xế và nhân viên giao hàng là do bà Muồi và Tuyết thực hiện. Để thực hiện chuyên môn về kế toán đối với doanh nghiệp, Thảo thuê kế toán làm và trả lương theo tháng (Bút lục số 4098-4105). 

Trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, nhằm để nâng cao lợi nhuận kinh doanh, ông Nguyễn Văn Thảo đã chỉ đạo cho nhân viên và người thân là bà Chiêm Ngọc Muồi và Nguyễn Thị Tuyết thực hiện việc bán các sản phẩm gas mang nhãn hiệu khác V-Gas ra thị trường.

Việc này bà Muồi và Tuyết hỏi ông Thảo là kinh doanh như vậy có đúng quy định pháp luật không? Ông Thảo khẳng định là đúng và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ông Thảo cũng chỉ đạo cho Nguyễn Thị Tuyết mua niêm màng co và tem chống giả nhãn hiệu khác V-Gas mà doanh nghiệp không ký hợp đồng để niêm vào các bình gas sau khi chiết nạp thành phẩm và bán cho khách hàng vào ngày 07/12/2018.

Trong lúc nhân viên đang chiết nạp gas để bán cho đại lý bia - gas - nước suối Tâm Lai do anh Nguyễn Thanh Tâm làm chủ thì bị bắt quả tang. 

Tòa nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Thảo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa, làm mất sự ổn định thị trường, xâm hại đến lợi ích của của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự nên nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, là phạm tội nhưng vì muốn nhanh chóng tìm kiếm lợi nhuận, thoả mãn nhu cầu cá nhân bị cáo vẫn thực hiện, hành vi này của bị cáo thể hiện tính cố ý.

Về nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp do bị cáo được uỷ quyền quản lý trước đây đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng bị cáo không tự nhận thức được mà vẫn bất chấp quy định của pháp luật tiếp tục thực hiện hành vi làm giả nhãn hiệu hàng hoá để mua bán, hành vi lần này cấu thành tội phạm, nên cần xử hình phạt nghiêm đủ để răn đe giáo dục và cải tạo đối với bị cáo. 

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn Thảo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng Viện Kiểm sát truy tố.

Các lời khai này thể hiện phù hợp với diễn biến sự việc xảy ra như: Khoảng thời gian, địa điểm, số hàng hoá mà bị cáo thực hiện hành vi làm giả nhãn hiệu để mua bán, tất cả phù hợp với các vật chứng thu giữ.

Những điểm “lạ” trong bản án

Vẫn theo bản án, căn cứ vào các chứng cứ tại hồ sơ, toà có đủ cơ sở kết luận: Hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Thảo đã chỉ đạo, điều hành, phân công nhân viên và người thân chiết nạp gas từ bồn khí V-Gas vào bình gas nhãn hiệu khác V-Gas sử dụng tem chống giả và niêm màng co giả mua trôi nổi trên thị trường chụp, dán vào bình gas đã được nạp đầy khí gas bán lại cho đại lý, cửa hàng trên thị trường nhằm tạo niềm tin cho khách hàng và thu lợi bất chính.

Tổng giá trị hàng giả là 15,2 tỷ đồng. Số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi bán gas nhãn hiệu khác V Gas từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/12/2018 là 400,3 triệu đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàngiả như Viện Kiểm sát truy tố.

Bị cáo phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm e Khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tòa nêu: Khi quyết định hình phạt cũng có xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt do bị cáo thành khẩn khai báo hành vi phạm tội; bản thân bị cáo là người có bệnh về tâm thần kinh được cơ quan chuyên môn xác định bị hạn chế khả năng nhận thức, không đủ năng lực làm chủ hành vi, bị cáo có tích cực nộp tiền thu lợi bất chính; bị cáo có thân nhân trong gia đình là người có công với cách mạng là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm s, q Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Có thể thấy, ông Nguyễn Văn Thảo đã thực hiện việc sản xuất, buôn bán gas giả nhãn hiệu từ năm 2016 chứ không chỉ là những con số theo sổ sách mà tòa án đã tuyên từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/12/2018.

Điều này là phù hợp, vì ông Thảo trước đó đã bị các đơn vị tố cáo và đã thừa nhận với Công an TP Vị Thanh, bị UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn hàng giả. Nên việc tòa án tuyên phạt đối với bị can Nguyễn Văn Thảo dưới khung hình phạt khiến dư luận rất bất bình!

Vừa qua (tháng 3/2022), cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh gas của bà Nguyễn Thị Tuyết (con dâu ông Thảo) tại vị trí gần DN Gas Chín Thảo, Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Văn Thảo có nhiều biểu hiện của việc “bao che” cho các sai phạm trong khi bà Tuyết là người có liên quan đến vụ án “sản xuất buôn, bán hàng giả” như đã nêu ở trên.

Một số doanh nghiệp bị Nguyễn Văn Thảo chiết nạp LPG giả vào nhãn hiệu của mình rồi đem bán ra thị trường thì chỉ được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong khi họ phải là những bị hại của vụ án này vì đã bị xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp và họ đã có đơn kháng cáo đối với bản án này.

Cũng vụ việc này, ngày 31/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang đã có Quyết định số 04 về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Với sự vào cuộc của Báo Thanh tra, đến ngày 12/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 02 về quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và sau đó là quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Thảo.

Thêm nữa, hai người con trai của ông Thảo là anh Nguyễn Đức Nghiêm đang công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Hậu Giang và Nguyễn Hoàng Nhu, đang công tác tại Công an TP Vị Thanh thì không thấy tòa án nêu trong mục nhân thân của bị cáo Nguyễn Văn Thảo.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Nam Dũng - Thành Nam