Hai bộ chuyên ngành đã chỉ rõ

Ngày 26/11/2020, UBND TP Hà Nội một lần nữa có văn bản truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nghiên cứu nội dung hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) ngày 13/11/2020 để tham mưu giải quyết vụ việc theo quy định, dự thảo văn bản của UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ; báo cáo UBND TP trước ngày 15/12/2020.

Trước đó, ngày 23/4/2014, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có Văn bản số 84/Ktr-VB nêu rõ: "Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản đã tiến hành kiểm tra, đồng thời để có thêm cơ sở, Cục đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan liên quan như: Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT; Sở TN&MT Hà Nội; Sở Tư pháp TP Hà Nội. Bước đầu nhận thấy rằng, ý kiến phản ánh nêu trên của công dân về Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 về việc ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội trong khi Nghị định số 17/2006 đã có hiệu lực pháp luật hơn 1 năm là có cơ sở”.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý nội dung không phù hợp của Quyết định số 137 và thông báo kết quả xử lý theo quy định của Chính phủ.

Nghị định của Chính phủ về Hà Nội khó thực hiện?

Văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai nêu, 135 hộ gia đình nông dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong khoảng thời gian 2006-2007 để phục vụ việc xây dựng khu đề pô (ga đầu mối) cho dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Trong giai đoạn này, Nghị định 17/2006/NĐ-CP (quy định sửa đổi, bổ sung về đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất) đã quy định cụ thể về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng việc giao đất để làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ cho các hộ nông dân mất trên 30% đất nông nghiệp. Sau đó, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (quy định sửa đổi, bổ sung về đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất) quy định cụ thể về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng việc giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ nông dân ổn định cuộc sống bằng đất ở hoặc đất dịch vụ nêu trên chậm được UBND TP Hà Nội cụ thể hoá khiến cho 135 hộ dân không được hỗ trợ theo hình thức này.

Ngày 09/6/2008, UBND TP Hà Nội mới ban hành Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND hướng dẫn thực hiện nội dung trên: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao thì được giải quyết bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở căn hộ chung cư cao tầng hoặc bằng tiền theo quy định”.

“Như vậy, chính sách giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp tại Hà Nội được thực hiện kể từ ngày 01/01/2008, chậm hơn so với hiệu lực thi hành của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP là 6 tháng” - Tổng cục Quản lý đất đai nêu.

Chính vì vậy, người dân không được nhận đất ở hay đất dịch vụ mà chỉ được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền là 25.000 đồng/m2. Đây là lý do 135 hộ dân khiếu nại kéo dài.

Để giải quyết vấn đề này, UBND TP Hà Nội đề xuất hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp theo Điều 22 Nghị định 69/2009/NĐ-CP (Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Tuy nhiên, trong văn bản trả lời nêu trên, Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, giải pháp này là không đúng thời điểm diễn ra việc thu hồi đất nên không thể áp dụng.

Về quan điểm giải quyết, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, giải quyết khoản hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho 135 hộ gia đình theo đúng chính sách, pháp luật tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tức là hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các nông dân trên bằng đất dịch vụ hoặc đất ở.

“Do quỹ đất ở, đất dịch vụ của địa phương không có, đến nay vẫn không được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, vì vậy Tổng cục Quản lý đất đai thống nhất với phương án giải quyết khoản hỗ trợ này bằng tiền”, văn bản nêu.

Sự việc rõ như ban ngày, đó chỉ là việc TP Hà Nội thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Nghị định 84 ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì mới đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà TP hết lần này đến lần khác cứ chỉ đạo chán rồi lại giao lúc cơ quan này chủ trì, lúc cơ quan khác chủ trì để thực hiện nghị định của Chính phủ trong gần 10 năm qua vẫn không xong!

Còn 135 hộ dân thì chỉ có một mong ước nhỏ nhoi rằng đây là lần cuối lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo và giao các cơ quan thực hiện đảm bảo quyền lợi của dân.

leftcenterrightdel
Ô đất có ký hiệu DD1 (trong vòng tròn đỏ) được duyệt để làm khu dịch vụ cho dự án đề pô từ năm 2011 

Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm

Ở khía cạnh liên quan, ngày 25/11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Systra (Pháp) được chọn làm đơn vị tư vấn. Quy mô toàn tuyến dài 12,5km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án được tăng từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro.

Theo kết luận, dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chỉ xác định thời gian 25 tháng với tổng giá trị 10,6 triệu euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện dự án đặc biệt này.

Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và tư vấn đã ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh trên 17,1 triệu euro - tăng trên 6,5 triệu euro so với hợp đồng ban đầu.

TTCP cho rằng, một số nội dung điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng, nhưng không tăng nhiệm vụ, mà chủ yếu do quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Systra bị chậm trễ kéo dài so với tiến độ dẫn đến phát sinh tăng chi phí.

Nội dung tố cáo gói thầu về rà phá bom mìn, vật liệu nổ đoạn cầu cạn và nhà ga của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở.

Theo kết luận, đến thời điểm thanh tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán gói thầu trên vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân chính là do hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công.

Mặt khác, hồ sơ hoàn công của gói thầu cũng chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế và không đúng với phương án kỹ thuật được phê duyệt…

Trách nhiệm để xảy ra sai phạm này thuộc chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan: Bộ Tư lệnh công binh - cơ quan chủ quản nhà thầu, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và đơn vị thi công gói thầu này.

Đối với nội dung tố cáo việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 3, hầm và các ga ngầm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo TTCP, tố cáo này là có cơ sở.

Cụ thể, nhà thầu JV và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã ký hợp đồng thi công gói thầu số 3 khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao để thi công.

Hiện tại mặt bằng các ga số 9, 10, 11 đang điều chỉnh quy hoạch, chưa thể giải phóng mặt bằng được, dẫn tới chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu trong thời gian này.

Đáng chú ý, TTCP cho rằng việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai và yêu cầu bổ sung khoản kinh phí khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

TTCP kiến nghị UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng các sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các vi phạm. Căn cứ kết quả kiểm điểm có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nam Dũng