Mới đây, ngày 3/10/2018, Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 554 trả lời đơn thư của công dân phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, đã nêu: Đối với nội dung phản ánh của công dân về việc UBND TP Hà Nội không thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho công dân đúng nội dung như đã nêu tại Công văn số 5611/UBND - TNMT ngày 27/7/2014 của UBND TP Hà Nội, đây là việc thực thi pháp luật, không thuộc thẩm quyền xem xét, kiểm tra của Cục Kiểm tra VBQPPL.

Quyền lợi của người dân đã được Chính phủ quy định rõ

Nghị định (NĐ) số 17/2006/NĐ - CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ quy định: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định sau đây:

Được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; mức đất được giao do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định; giá đất được giao bằng giá đất nông nghiệp tương ứng cộng với chi phí đầu tư hạ tầng trên đất nhưng không cao hơn giá đất tại thời điểm thu hồi đất đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định và công bố…

Đến NĐ 84/2007/ngày 25/5/2007 chỉ bổ sung: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong trường hợp không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng mà không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch đã được quy định tại đoạn 1 khoản 4 Điều 4 NĐ số 17/2006/NĐ - CP ngày 27/1/2006.

Người dân mất quyền lợi khi Nghị định về Thủ đô?

Để thực hiện Dự án đề pô xe điện thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn  - Ga Hà Nội), ngày 21/9/2006, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4168/QĐ-UB về việc thu hồi 161.892m2 đất tại xã Tây Tựu và xã Minh Khai (huyện Từ Liêm cũ, nay là quận Bắc Từ Liêm).

Theo danh sách các hộ chi tiết gửi kèm báo cáo đề xuất của UBND quận Bắc Từ Liêm thì có 85 hộ được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt phương án bồi thường từ sau ngày NĐ 84/NĐ - CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2008 (gồm 56 hộ tại Minh Khai và 29 hộ tại Tây Tựu).

Ngày 14/9/2018, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản 4264 trả lời công dân đã khẳng định: Chủ tịch UBND TP Hà Nội chấm dứt tiếp, nhận, xem xét đơn thư của ông Nguyễn Khắc Lượng về nội dung liên quan đến áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đề pô xe điện thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội.

Lý do mà TP Hà Nội không công nhận quyền lợi phải trao trả cho người dân là căn cứ vào báo cáo của liên ngành tại Văn bản số 180/BLN-BCĐ ngày 20/4/2018.

Nội dung báo cáo này cho hay: Ngày 25/5/2007, Chính phủ ban hành NĐ 84 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 thì từ thời điểm này đến trước ngày 1/1/2008, TP Hà Nội khi thực hiện chính sách bồi thường, GPMB để thu hồi đất đã thực hiện theo Quyết định số 26 ngày 15/2/2005 của UBND TP Hà Nội và NĐ số 197/2004/NĐ - CP của Chính phủ.

Đến ngày 30/11/2007, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 137 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2008.

Văn bản số 180 của liên ngành nhận xét: "Trong khoảng thời gian từ sau khi NĐ 84 có hiệu lực (từ 1/7/2007) đến ngày 1/1/2008, UBND TP Hà Nội không quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng hình thức giao đất ở và chính sách này vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 21 Quyết định số 26/2005/QĐ - UBND tại tất cả các dự án thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội".

Để trả lời Bộ Tư pháp về các thắc mắc của người dân đối với việc áp dụng pháp luật, ngày 27/7/2014, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản 5611 gửi Cục Kiểm tra VBQPPL cho hay: Ngày 30/11/2007, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ - UBND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2008, trong đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm được quy định: Hỗ trợ bằng tiền theo diện tích đất thu hồi, trường hợp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao việc thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 4 NĐ số 17/2006/NĐ - CP và Điều 48 NĐ 84 sẽ theo hướng dẫn của các bộ liên quan. 

Như vậy, Quyết định số 137 được ban hành là để thực hiện NĐ 84 và tiếp tục thực hiện một số nội dung của Quyết định số 26/2005/QĐ - UBND và NĐ số 17/2006/QĐ - UBND - Văn bản 5611 khẳng định.

Ở khía cạnh liên quan, chiều ngày 5/10/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và các đại biểu thuộc tổ đại biểu số 11 của HĐND TP Hà Nội đã giám sát việc triển khai công tác GPMB một số dự án trọng điểm của thành phố trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm

Tại buổi giám sát, đại diện sở, ban, ngành cho rằng, dự án Đề pô và đường dẫn vào đề pô thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) còn tồn tại nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với 135 hộ cần tiếp tục được xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất thu hồi.

Trước đó, ngày 21/4/2015, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 1702 về việc thu hồi 800m2 đất tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm và giao cho quận Nam Từ Liêm để giao đất tái định cư cho 19 hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Đề pô và đường dẫn vào đề pô thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội).

Công văn 4264 ngày 14/9/2018 của UBND TP Hà Nội còn cho biết: Trong trường hợp người dân không đồng ý giải quyết của Chủ tịch UBND TP, đề nghị công dân thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Điều 42 Luật Khiếu nại 2011.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng