Điều 20. Lấy lời khai, tiến hành một số hoạt động tố tụng đối với bị hại là người dưới 18 tuổi

1. Việc lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi lao động, nơi sinh hoạt của người đó hoặc cơ sở chăm sóc trẻ em. Điều tra viên, Cán bộ điều tra lựa chọn nơi lấy lời khai và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Nơi nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể lấy lời khai ở phòng điều tra thân thiện.

2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra khi tiến hành lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ. Điều tra viên, Cán bộ điều tra mặc trang phục phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục Công an nhân dân.

3. Trước khi lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi, Cơ quan điều tra phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi. Việc yêu cầu người phiên dịch, người dịch thuật, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù trong trường hợp bị hại dưới 18 tuổi là người không sử dụng được tiếng Việt, bị khuyết tật về nghe, nói, nhìn được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra có thể mời đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nhà trường hoặc cán bộ trợ giúp khác có hiểu biết về tâm lý học, có kinh nghiệm có mặt khi lấy lời khai hoặc tiến hành các hoạt động tố tụng khác đối với bị hại là người dưới 18 tuổi để hỗ trợ cho họ.

4. Cơ quan điều tra cần căn cứ vào các đặc điểm riêng biệt như độ tuổi, giới tính, đặc điểm tính cách của bị hại, hoàn cảnh gia đình, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của bị hại là người dưới 18 tuổi và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ.

Trước khi tiến hành lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cần thiết tạo một khoảng thời gian tiếp xúc thân thiện với bị hại là người dưới 18 tuổi, tạo dựng tâm thế giao tiếp ổn định về mặt tâm lý, hạn chế việc lấy lời khai, khai thác thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc ngay lập tức.

Việc lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

5. Việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi, việc xem xét dấu vết trên thân thể, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình có âm thanh phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và phải bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như quyền bí mật thông tin cá nhân và danh dự, nhân phẩm của họ.

6. Cơ quan điều tra phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ. Đối với các vụ án xâm hại tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

Điều 21. Trưng cầu giám định

1. Đối với những vụ việc, vụ án có dấu hiệu phạm tội quả tang hoặc diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện hoặc có căn cứ, tài liệu xác định có hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi hoặc thuộc các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án phải tiến hành trưng cầu giám định trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ. Trường hợp cần phải đưa bị hại đến cơ sở y tế để sơ cứu, cấp cứu, Cơ quan điều tra phải phối hợp với cơ sở y tế để thu mẫu giám định.

2. Trường hợp nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị hại là người dưới 18 tuổi và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này), trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án hình sự phải tiến hành xác minh, thu thập, bảo quản các dấu vết thu thập được, các tình tiết liên quan đến đề nghị trưng cầu giám định và quyết định trưng cầu giám định để làm căn cứ giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị giám định thì phải thông báo bằng văn bản, giải thích rõ lý do cho người đã đề nghị biết.

(Còn nữa)

Hồng Việt