Điều 11. Báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi

Khi có đủ căn cứ để kết thúc việc kiểm tra, xác minh hoặc chậm nhất là 07 ngày đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải kéo dài, gia hạn, Điều tra viên được phân công thụ lý chính phải có báo cáo kết thúc việc kiểm tra, xác minh bằng văn bản với lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp có ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (được phân công hoặc được ủy quyền). Báo cáo kết thúc việc kiểm tra, xác minh phải nêu rõ kết quả kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và đề xuất cụ thể về việc: khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án hình sự; tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Điều 12. Kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi

1. Kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều tra viên thụ lý chính phải dự thảo quyết định tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 kèm theo Báo cáo kết thúc việc kiểm tra, xác minh, cùng hồ sơ, tài liệu liên quan báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp cho ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (được phân công hoặc được ủy quyền) duyệt, ký.

2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan đã giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết vụ việc.

3. Việc phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra điều tra vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi

1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được ủy quyền) trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý điều tra hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo điều tra và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công là người được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Ưu tiên phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra là phụ nữ trong trường hợp bị hại là nữ giới, trẻ em gái.

Điều 14. Kế hoạch điều tra vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi

Khi được phân công tiến hành điều tra vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi, Điều tra viên được phân công thụ lý chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch điều tra vụ án hình sự để đề xuất lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (được phân công hoặc được ủy quyền) phê duyệt trước khi thực hiện. Kế hoạch điều tra vụ án hình sự gồm các nội dung:

1. Mục đích, yêu cầu.

2. Tóm tắt nội dung sự việc; đánh giá những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; những việc đã làm; những việc chưa làm. Xây dựng các giả thuyết điều tra và định hướng thu thập chứng cứ, tài liệu.

3. Nội dung tiến hành cần làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi, trong đó, cần chú ý đến các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt và các vấn đề khác có liên quan được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

4. Dự kiến các biện pháp cần tiến hành (xác định và kiểm tra hiện trường, khám nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng, trưng cầu giám định, tổ chức xem xét dấu vết trên thân thể, khám xét, thực nghiệm điều tra, phục hồi dữ liệu điện tử, các biện pháp điều tra khác thuộc thẩm quyền; biện pháp nghiệp vụ tùy theo tính chất mỗi vụ việc) để xác định người thực hiện hành vi phạm tội, có yếu tố đồng phạm hay không, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành phạm tội như thế nào; có hay không vụ việc xâm hại người dưới 18 tuổi đã xảy ra; thời gian, địa điểm, số lần, số bị hại, hậu quả của hành vi phạm tội; truy tìm, xác định đồ vật, tài liệu cần thu thập; củng cố, đánh giá tài liệu, đồ vật đã thu thập. Thông báo đối với bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

5. Dự kiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần phối hợp, cung cấp thông tin theo đề nghị của Cơ quan điều tra. Trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài, cần phối hợp với cơ quan đối ngoại Bộ Công an, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ và Công an các địa phương, cơ quan ngoại vụ, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam; xác định các hoạt động hợp tác quốc tế và cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

6. Thời gian tiến hành: Xác định, đề xuất cụ thể thời gian tiến hành điều tra nhằm đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức thực hiện: Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra để thực hiện; đề xuất phương tiện sử dụng, kinh phí hỗ trợ; chế độ báo cáo khi có vấn đề đột xuất xảy ra trong quá trình thực hiện.

(Còn nữa)

Hồng Việt