Điều 7. Các biện pháp cấp bách khi tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra, hành vi phạm tội diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện

1. Ngăn chặn ngay hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra, bắt người phạm tội quả tang.

2. Tổ chức cấp cứu bị hại, hỗ trợ y tế, ổn định tâm lý, tinh thần cho bị hại, bảo vệ hiện trường, bảo vệ thông tin cá nhân của bị hại, thực hiện các biện pháp nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự trong khu vực và trên địa bàn.

3. Tiến hành giải cứu bị hại đang bị giam giữ trái pháp luật, khống chế, cưỡng bức, bóc lột tình dục, ép làm nô lệ tình dục hoặc đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng hoặc đang bị đối tượng đưa đi trốn, giấu.

4. Xác định người biết việc, ghi nhận thông tin cá nhân, hình thức liên lạc với những người biết việc, ghi lời khai của họ để kịp thời thu thập các thông tin quan trọng, có ý nghĩa trong việc làm rõ vụ việc, truy tìm đối tượng nghi thực hiện hành vi xâm hại.

5. Trưng cầu giám định pháp y, tổ chức xem xét dấu vết trên thân thể của bị hại, của đối tượng bị nghi thực hiện hành vi xâm hại và xác định mối liên quan của dấu vết với hành vi xâm hại. Tổ chức khám nghiệm hiện trường, tiến hành khám xét khẩn cấp theo quy định của pháp luật để kịp thời thu thập đồ vật, tài liệu, chứng cứ, các phương tiện kỹ thuật số (điện thoại di động, máy tính, máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình, USB, DVD...) nghi chứa dữ liệu điện tử liên quan đến vụ việc xâm hại; lập biên bản trích xuất hình ảnh, dữ liệu và tạm giữ đồ vật là vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp, niêm phong, bảo quản ngay phương tiện kỹ thuật số lưu giữ thông tin mà nhận định có hình ảnh liên quan vụ việc theo quy định của pháp luật.

6. Nếu có căn cứ xác định nơi cư trú, nơi lẩn trốn của đối tượng hoặc phát hiện đối tượng tại hiện trường, nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc giám sát chặt chẽ không để đối tượng tiếp tục bỏ trốn hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, đe dọa bị hại hoặc người thân thích của bị hại. Trường hợp có căn cứ cho rằng đối tượng đang trên đường bỏ trốn, tổ chức lực lượng tiến hành truy bắt.

7. Đối với những vụ việc, vụ án có dấu hiệu xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, phối hợp với bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa phụ sản để thăm khám, thu thập dấu vết, chứng cứ trên thân thể bị hại. Thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để kịp thời thu thập, bảo quản những tài liệu, đồ vật nghi có chứa các dấu vết sinh học (máu, lông, tóc, tinh dịch…) hoặc liên quan đến hành vi xâm hại tình dục; tiến hành trưng cầu giám định pháp y trong thời gian nhanh nhất. Phối hợp với chuyên gia tâm lý hoặc người đã được đào tạo chuyên môn hoặc có kinh nghiệm về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em để ổn định tâm lý cho bị hại.

Điều 8. Phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi

1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được ủy quyền) có thẩm quyền trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công là người được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Ưu tiên phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra là phụ nữ trong trường hợp bị hại là nữ giới, trẻ em gái.

Điều 9. Lập kế hoạch kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi

Khi được phân công tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi, Điều tra viên được phân công thụ lý chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh để đề xuất lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (được phân công hoặc được ủy quyền) phê duyệt trước khi thực hiện. Nội dung kế hoạch gồm:

1. Mục đích, yêu cầu của việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Tóm tắt nội dung sự việc; những việc đã làm; những việc chưa làm.

3. Những việc tiếp theo cần thực hiện, trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:

a) Xác định bị hại, người làm chứng, người biết việc, người có liên quan, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, đối tượng nghi vấn của vụ việc xâm hại người dưới 18 tuổi (phải xác định chính xác độ tuổi của bị hại và người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, đối tượng nghi vấn); còn những bị hại nào đã từng bị đối tượng đang bị kiểm tra, xác minh xâm hại hay không; xác định đồng phạm, người không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm và địa điểm nơi xảy ra tội phạm.

Xác định những đồ vật, tài liệu có liên quan, dữ liệu điện tử từ các phương tiện kỹ thuật số (máy tính, máy ảnh, điện thoại, máy ghi âm, ghi hình, USB, DVD...) của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, đối tượng nghi vấn, bị hại có giá trị chứng minh tội phạm để thu thập.

b) Thu thập các giấy tờ có liên quan để xác định tuổi của bị hại và người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, đối tượng nghi vấn như: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ khác có ghi nhận ngày tháng năm sinh. Trong trường hợp không xác định được tuổi thì phải tiến hành trưng cầu giám định độ tuổi để làm căn cứ giải quyết vụ việc.

c) Thu thập, xác định các thông tin nhân thân của bị hại để xác định người đại diện, người thân thích hoặc người giám hộ của bị hại.

d) Việc lấy lời khai bị hại, người biết việc, người liên quan, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố để xác định có hay không vụ việc xâm hại người dưới 18 tuổi đã xảy ra; người thực hiện hành vi xâm hại là ai, gồm bao nhiêu người, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi xâm hại như thế nào; thời gian, địa điểm, số lần, số bị hại, hình thức xâm hại, hậu quả của hành vi phạm tội; truy tìm, xác định đồ vật, tài liệu cần thu thập; củng cố, đánh giá tài liệu, đồ vật đã thu thập.

đ) Thông báo đối với bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

e) Dự kiến các biện pháp cần tiến hành như: Xác định và kiểm tra hiện trường, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, các biện pháp khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan đang thụ lý, giải quyết.

g) Dự kiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần phối hợp, cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài, dự kiến phối hợp với cơ quan đối ngoại Bộ Công an, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ và Công an các địa phương, cơ quan ngoại vụ, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

h) Dự kiến việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tùy theo tính chất mỗi vụ việc, vận động quần chúng hoặc các biện pháp khác để kiểm tra, kiểm chứng trong quá trình xác minh nguồn tin.

4. Thời gian tiến hành: Xác định, đề xuất cụ thể thời gian tiến hành kiểm tra, xác minh nhằm đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức thực hiện: Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra để thực hiện; đề xuất phương tiện sử dụng, kinh phí hỗ trợ; chế độ báo cáo khi có vấn đề đột xuất xảy ra trong quá trình thực hiện.

Điều 10. Trách nhiệm thực hiện kế hoạch kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi

1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chỉ được tiến hành các nội dung kiểm tra, xác minh theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu phát sinh vấn đề mới, Điều tra viên được phân công thụ lý chính phải báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo, chỉ huy phụ trách cho ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (được phân công hoặc được ủy quyền) để xin ý kiến chỉ đạo; trường hợp cấp bách thì tùy theo từng trường hợp có thể báo cáo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất với lãnh đạo, chỉ huy để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó phải báo cáo lại bằng văn bản để đưa vào hồ sơ.

2. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (được phân công hoặc được ủy quyền) phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ, kết quả giải quyết của Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về kết quả kiểm tra, xác minh của mình.

(Còn nữa)

Hồng Việt