Điều 22. Thời hạn giám định

1. Thời hạn giám định do cơ quan chuyên môn ngoài lực lượng Công an thực hiện thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, Cơ quan chuyên môn của lực lượng Công an có trách nhiệm trả lời cơ quan đã trưng cầu giám định. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn nêu trên thì cơ quan tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.

Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu và những nội dung khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Điều 23. Bảo vệ bị hại là người dưới 18 tuổi

1. Việc bảo vệ bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tùy tình hình thực tế, Cơ quan điều tra có thể áp dụng thêm các biện pháp sau đây:

a) Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông không đăng tải, gỡ các bài báo, thông tin liên quan đến vụ việc, vụ án, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bị hại là người dưới 18 tuổi;

b) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm bị hại là người dưới 18 tuổi bị phát tán trên mạng Internet hoặc các mạng xã hội;

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền đối với người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin nhân thân của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ việc, vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi.

2. Thẩm quyền, thời hạn áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

3. Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện theo quy định tại Điều 487, Điều 488, Điều 489 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và quy định sau đây:

a) Khi nhận được thông tin về yêu cầu bảo vệ hoặc xét thấy cần áp dụng các biện pháp bảo vệ, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải khẩn trương thu thập các tài liệu cần thiết, kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại đối với người được bảo vệ, mức độ nguy hiểm thực tế đe dọa người được bảo vệ, xác định phạm vi và đối tượng cần bảo vệ; dự kiến biện pháp bảo vệ để bảo đảm an toàn cho người được bảo vệ và yêu cầu hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, phải giải thích cho cơ quan, người có yêu cầu biết và hướng dẫn cách khắc phục bằng biện pháp khác.

b) Trong trường hợp cấp bách cần ngăn chặn ngay các hành vi đe dọa xâm hại, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người được bảo vệ thì Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ cần thiết như cử ngay lực lượng bảo vệ đến nơi ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ hoặc tạm thời đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.

c) Trước khi quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ, nếu xét thấy cần thiết phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện, biện pháp để bảo vệ hoặc trong trường hợp có nhiều yêu cầu phức tạp hoặc trong các vụ án tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong Công an nhân dân báo cáo xin ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu ở địa phương) hoặc lãnh đạo Bộ (nếu ở Bộ Công an).

d) Cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ xây dựng kế hoạch bảo vệ; lập, quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ bảo vệ theo quy định của pháp luật.

đ) Trong quá trình thực hiện các biện pháp bảo vệ, nếu nảy sinh các yêu cầu bảo vệ mới phải huy động thêm phương tiện, lực lượng bảo vệ... thì cơ quan quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ ra quyết định bổ sung áp dụng biện pháp bảo vệ. Quyết định này được gửi tới các đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ, đồng thời thông báo cho người được bảo vệ biết.

4. Khi căn cứ áp dụng các biện pháp bảo vệ không còn thì người ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải có quyết định chấm dứt áp dụng các biện pháp bảo vệ bằng văn bản và thông báo cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan được biết.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực của Thông tư

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 6 năm 2021.

2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân, căn cứ điều kiện thực tế, có thể áp dụng các quy định phù hợp của Thông tư này khi giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi là người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, người chứng kiến, người bị buộc tội.

Điều 25. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành và quán triệt đầy đủ nội dung Thông tư này cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.

2. Cục Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với Cục Đào tạo, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

3. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh điều tra Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh điều tra Bộ Công an) để có hướng dẫn kịp thời.

Hồng Việt