Luật Thanh tra (số 11/2022/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 với nhiều điểm mới sẽ tạo hành lang pháp lý để hoạt động thanh tra minh bạch, từng bước chuyên nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế giới thiệu một số điểm mới chủ yếu của Luật Thanh tra sửa đổi.

Theo đó, Luật Thanh tra sửa đổi đã có những quy định để hoạt động thanh tra từng bước chuyên nghiệp, phân biệt với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý. Phần lớn các hoạt động thanh tra chuyên ngành về bản chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên

Ông Minh cho biết, nhiều hoạt động của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành hiện nay chủ yếu là nhằm phát hiện và xử lý vi phạm với đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội để bảo đảm trật tự quản lý. Không ít hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện nay thực chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên đã bị “thanh tra hóa”.  

Luật đã bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, vì thực chất đây là hoạt động kiểm tra của bất kỳ cơ quan quản lý nào.

Luật cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong tổ chức hoạt động kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sơ hở, yếu kém trong quản lý, làm tốt biện pháp ngăn ngừa, cũng như thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ công vụ cũng như nâng cao tính liêm chính của đội ngũ công chức, viên chức. Qua hoạt động kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thấy cần thiết thì sẽ tiến hành thanh tra một cách toàn diện để xử lý có hiệu quả hành vi vi phạm.

Về sắp xếp một bước các cơ quan có chức năng thanh tra, vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động, vừa không làm tăng biên chế, đầu mối đơn vị trực thuộc theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Lần này, luật cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ với những ngành lĩnh vực thực sự có nhu cầu, thay vì như hiện nay chỉ có thanh tra bộ.

Luật cũng có các quy định để tránh sự chồng chéo trong hoạt động giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra. Về nguyên tắc thì đối với lĩnh vực mà tổng cục, cục đã được phân cấp quản lý thì hoạt động thanh tra sẽ thanh tra của tổng cục, cục đó sẽ đảm nhiệm. Thanh tra bộ chỉ tiến hành thanh tra đối với vụ việc mà nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác, những vụ việc do bộ trưởng giao và tiến hành thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra tổng cục, cục khi phát hiện có vi phạm pháp luật.

Về thanh tra sở, Luật Thanh tra sửa đổi quy định theo hướng không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra để tránh dàn trải.

Luật quy định về thanh tra khá mềm mại phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng địa phương. Theo đó, giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ.

leftcenterrightdel
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế giới thiệu một số điểm mới tại tọa đàm. Ảnh: TH 

Về việc giao thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra do nhu cầu tiến hành thanh tra trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các sở này không lớn, thanh tra tỉnh được bổ sung biên chế, tăng cường năng lực hoạt động do không còn phải bố trí biên chế thanh tra dàn đều ở các sở như hiện nay. Do đó, có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.

Những sở còn lại, UBND tỉnh được giao quyết định có thành lập cơ quan thanh tra hay không trên cơ sở tính toán nhu cầu quản lý, biên chế.

Điểm mới nữa là về hoạt động thanh tra, luật quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra bao gồm các bước: Chuẩn bị thanh tra; tiến hành thanh tra trực tiếp; kết thúc cuộc thanh tra.

“Như vậy, khác với Luật Thanh tra 2010, các quy định về chuẩn bị thanh tra được quy định ngay trong luật để bảo đảm việc tiến hành thanh tra nhanh gọn, theo đúng thời hạn quy định, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra“ - ông Minh nhấn mạnh

Ở mỗi bước, luật quy định trình tự, thủ tục rất chặt chẽ để tiến hành một cuộc thanh tra từ thành lập đoàn thanh tra, thu thập thông tin, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, ra kết luận thanh tra.

“Đây chính là điểm quan trọng để phân biệt hoạt động thanh tra, dù là thanh tra hành chính hay chuyên ngành cũng phải được tiến hành bài bản chuyên nghiệp, khác với hoạt động kiểm tra thường xuyên được thực hiện linh hoạt, mềm mại đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội” ông Minh chia sẻ

Để bảo đảm kết luận thanh tra được chính xác, khách quan và có tính khả thi, luật quy định về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo hướng chỉ là thủ tục bắt buộc đối với một số cấp thanh tra.

Về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra sửa đổi đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn, bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Luật đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra, xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.

“Cũng phải nói thêm rằng, Luật Thanh tra sửa đổi còn cho phép một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra. Bởi cuộc thanh tra có nhiều nội dung, thì nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý nhà nước và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác theo quyết định thanh tra. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý”, ông Minh nói.

Tại tọa đàm, các đại biểu đều nhấn mạnh việc ban hành Luật Thanh tra sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý để hoạt động thanh tra minh bạch, từng bước chuyên nghiệp. Đồng thời, được nghe TS Đinh Văn Minh giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc một số quy định trong Luật Thanh tra sửa đổi.

 

Thái Hải