Quyết định 126/QĐ-TTCP ngày 27/4/2022 của Thanh tra Chính phủ về việc Ban hành “Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2021”, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đánh giá đúng, khách quan việc thực hiện công tác PCTN trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

- Thông qua công tác đánh giá PCTN, tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; phát hiện và xử lý tham nhũng.

2. Yêu cầu

- Việc đánh giá công tác PCTN phải đảm bảo khách quan, khoa học, toàn diện, công khai.

- Thực hiện đánh giá công tác PCTN đảm bảo nghiêm túc, đúng tiến độ, mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; phát huy tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc tổng hợp, đánh giá.

- Báo cáo đánh giá của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đảm bảo chính xác về số liệu, đúng, đủ nội dung, tập trung phân tích, đánh giá thực chất những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong công tác PCTN; kiến nghị những giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Mỗi nội dung đánh giá phải có số liệu, tài liệu chứng minh cụ thể, làm căn cứ để tổng hợp kết quả đánh giá của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và trên địa bàn toàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Nội dung đánh giá

Thực hiện theo Quyết định 126/QĐ-TTCP ngày 27/4/2022 của Thanh tra Chính phủ về ban hành “Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2021”, cụ thể như sau:

a) Đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, gồm:

- Đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo.

- Đánh giá việc tổ chức thực hiện.

b) Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, gồm:

- Công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước, gồm:

+ Kết quả thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 Luật PCTN năm 2018.

+ Kết quả cải cách hành chính 2021.

+ Kết quả việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

+ Kết quả kiểm soát xung đột lợi ích.

+ Kết quả việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.

+ Kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập.

+ Kết quả thực hiện Chỉ thị 10/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước (Công ty đại chúng; tổ chức tín dụng; tổ chức xã hội do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh):

+ UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước;

+ Kết quả thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra nội bộ trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước;

+ Kết quả thanh tra, kiểm tra thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước;

+ Kết quả thanh tra, kiểm tra kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước;

+ Kết quả thanh tra, kiểm tra thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước.

c) Đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng, bao gồm:

- Việc phát hiện hành vi tham nhũng:

+ Kết quả phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát;

+ Kết quả phát hiện hành vi tham nhũng qua phản ánh, tố cáo;

+ Kết quả phát hiện hành vi tham nhũng qua điều tra, truy tố, xét xử.

- Việc xử lý tham nhũng:

+ Kết quả xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân;

+ Kết quả xử lý hình sự người có hành vi tham nhũng;

+ Kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng.

- Số lượng tiền, tài sản kiến nghị thu hồi qua phát hiện các hành vi tham nhũng.

- Đánh giá kết quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN:

+ Kết quả xử lý vi phạm trong thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Kết quả xử lý vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn;

+ Kết quả xử lý vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Kết quả xử lý vi phạm quy định về xung đột lợi ích;

+ Kết quả xử lý vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác;

+ Kết quả xử lý vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng;

+ Kết quả xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai TSTN và xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát TSTN.

d) Đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng, gồm:

- Kết quả thu hồi bằng biện pháp hành chính;

- Kết quả thu hồi bằng biện pháp tư pháp.

2. Thời kỳ đánh giá

Từ ngày 16/12/2020 đến ngày 15/12/2021.

3. Đối tượng, phạm vi đánh giá

a) Đối tượng:

Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các đơn vị khu vực ngoài nhà nước (Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh).

b) Phạm vi:

- Hoạt động quản lý nhà nước về PCTN của UBND cấp tỉnh, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh về PCTN, UBND cấp huyện.

- Kết quả thực hiện các quy định về PCTN của các cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

4. Thời gian thực hiện

a) Các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành việc đánh giá công tác PCTN của cơ quan, đơn vị mình và gửi báo cáo kết quả thực hiện kèm theo tài liệu có liên quan về Thanh tra tỉnh trước ngày 20/5/2022 (báo cáo theo đề cương và biểu thuyết minh đánh giá các chỉ tiêu PCTN). Ngoài việc gửi bằng văn bản qua đường bưu điện, các đơn vị đồng thời gửi dữ liệu về Thanh tra tỉnh qua hộp thư điện tử: thanhtra@lamdong.gov.vn để tổng hợp, xây dựng báo cáo.

b) UBND tỉnh thành lập Tổ đánh giá để triển khai thực hiện kế hoạch, cụ thể như sau:

- Từ ngày 04/5/2022 - 15/5/2022: Tổ chức hướng dẫn, triển khai đến các cơ quan, đơn vị tự đánh giá; thu thập, tài liệu, lập hồ sơ đánh giá.

- Từ ngày 15/5/2022 - 20/5/2022: Tiến hành kiểm tra số liệu do các sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị có liên quan cung cấp.

- Từ ngày 20/5/2022 - 10/6/2022: Tổng hợp, đánh giá, xây dựng dự thảo báo cáo trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Thanh tra Chính phủ kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2021.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thanh tra tỉnh

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan giúp UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả việc đánh giá công tác PCTN năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác giúp UBND tỉnh trong việc tổ chức thu thập thông tin, tài liệu, thực hiện việc đánh giá công tác PCTN năm 2021 theo đúng kế hoạch đề ra.

- Tổ chức quán triệt kế hoạch, nội dung, phương pháp đánh giá theo Bộ chỉ số đánh giá PCTN cấp tỉnh năm 2021 do Thanh tra Chính phủ ban hành; hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và thời gian đã đề ra trong kế hoạch này.

- Phối hợp với các cơ quan thành viên Tổ công tác thực hiện việc thẩm định báo cáo, chấm điểm các nội dung tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị, địa phương để làm cơ sở tổng hợp kết quả đánh giá công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2021 trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định.

2. Các đơn vị thực hiện công tác tự đánh giá

- Căn cứ nội dung kế hoạch này, yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc tự đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2021 theo đúng thời gian quy định.

- Có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, tổng hợp số liệu theo yêu cầu của Tổ công tác để phục vụ việc đánh giá công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.

- Kết quả thực hiện báo cáo đánh giá công tác PCTN năm 2021 của các cơ quan, đơn vị là cơ sở để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp, cung cấp thông tin có liên quan đến các nội dung đánh giá theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Tổ công tác.

Việc đánh giá công tác PCTN năm 2021 là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng; nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phản ánh kịp thời đến UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để được hướng dẫn, giải quyết.

Uyên Uyên