Ngày 18/9, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo góp ý đề tài Khoa học cấp Bộ: “Khiếu nại, tố cáo (KNTC) đông người liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chợ tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Theo Chủ nhiệm đề tài, ThS. Nguyễn Hồng Điệp, chợ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, tiêu thụ hàng hoá, nhằm giải quyết các nhu cầu trong đời sống hàng ngày của người dân. Chợ cùng với những hoạt động của mình đã gắn chặt với tâm thức của người dân Việt Nam. Bên cạnh “nhà”, “làng”, “nước”, chợ trở thành một phần không gian văn hoá theo suốt cuộc đời con người.

“Có thể nói, chợ là tấm gương phản chiếu sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của cư dân ở một vùng, khu vực nhất định, ông Điệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hệ thống chợ nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều yếu kém như cơ sở vật chất nhìn chung còn nghèo nàn, lạc hậu, nhiều chợ chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. Bên cạnh đó, dù thuận tiện cho việc mua bán, song những hộ dân sống quang khu chợ này đang là “nạn nhân” của tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”....

 Qua một thời gian triển khai chuyển đổi mô hình chợ thấy có nhiều ưu điểm. Nhưng, việc chuyển đổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm phát sinh KNTC đông người, phức tạp liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ.

Trong những năm tới; các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình chợ, việc KNTC đông người liên quan tới vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra.

 “Do vậy, việc nghiên cứu đề tài này nhằm làm rõ các vấn đề chuyển đổi mô hình chợ và những nguyên nhân phát sinh KNTC đông người; đánh giá thực trạng giải quyết KNTC đông người có liên quan đến lĩnh vực này, nhất là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc...; từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC đông người liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ là rất cần thiết và thiết thực”, ông Nguyễn Hồng Điệp khẳng định.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị và danh mục tài liệu tham khảo. Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I: Những vấn đề chung về chuyển đổi mô hình chợ và giải quyết KNTC đông người liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ; Chương II: Thực trạng chuyển đổi mô hình chợ và giải quyết KNTC đông người liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ; Chương III: Quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC đông người liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ.

Góp ý tại hội thảo, ông Lê Huy, Phó Trưởng phòng Xử lý đơn thư, Ban TCDTW cho rằng, phần thực trạng ở Chương 2 cần đi sâu hơn vào phần chủ thể, cần đưa kiến nghị hỗ trợ như thế nào cho tiểu thương, tiểu thương cũ sẽ có những chính sách gì, miến thuế ra sao?

Ông Lê Hải Đăng, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Ban TCDTW cơ bản nhất trí với những nội dung trong đề tài mà BCN đưa ra.

Tuy nhiên, theo ông Đăng, BCN cần làm rõ nguyên nhân, thực trạng khi chuyển đổi mô hình chợ như: Thói quen tâm lý của người dân; công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, cơ chế chính sách bất cập; áp dụng thuế, phí, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy có sự chênh lệch giữa các tiểu thương trong chợ và khu vực xung quanh chợ. Vì thế, tiểu thương không muốn vào chợ.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại thực trạng “bảo kê”; sắp xếp ngành hàng, chỗ ngồi không hiệu quả hay việc vi phạm khi chuyển đổi trong khu vực chợ, quản lý sử dụng các khoản kinh phí trái pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Khắc Hùng, Cục I, Thanh tra Chính phủ đưa ý kiến, đề tài có kết cấu phù hợp với quy định, đầy đủ phần quan điểm, giải pháp và một số kiến nghị.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Khắc Hùng đây là đề tài giải quyết KNTC đông người liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chợ tại Việt Nam. Vì vậy, cần bổ sung thêm bất cập trong chuyển đổi mô hình chợ, các giải pháp khắc phục để hạn chế KNTC đông người, phức tạp.

Những bất cập có thể kể đến như: tư duy của tiểu thương ăn sâu vào tiềm thức, không muốn thay đổi, chuyển đổi; vị trí để chuyển đổi mô hình chợ phải thuận lợi cho người dân, thuận lợi cho các tiểu thương buôn bán; chưa có sự đồng thuận với tiểu thương và người dân; không công khai minh bạch trong chuyển đổi; khi chuyển đổi vị trí không phù hợp và đúng ý của tiểu thương; thu phí cao hơn mức trước đây nhiều lần thì tất nhiên sẽ dẫn tới KNTC.

Cũng theo ông Hùng, giải pháp BCN cần đưa ra là: Việc thông tin tuyên truyền cần phải thực hiện tốt hơn nữa; nghiên cứu địa điểm chuyển đổi mô hình chợ thuận lợi trong quá trình buôn bán; công khai minh bạch về cơ chế chính sách để tạo sự đồng thuận cho tiểu thương và người dân; cơ quan nhà nước phải vào cuộc để kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, đảm bảo quyền, lợi ích của chủ đầu tư và người dân; giảm thuế, phí, hỗ trợ cho tiểu thương để hạn chế KNTC đông người.

Cũng tại hội thảo, ông Bùi Đăng Thắng, Ban TCDTW cho rằng, đề tài rất thiết thực, bố cục rất khoa học. Tuy nhiên, phần thực trạng, nguyên nhân, tồn tại hạn chế mới nêu thực trạng, hạn chế của địa phương chứ chưa nêu ra được những bất cập của cơ chế, chính sách của Trung ương...

Thái Hải