Kiểm soát TS, TN là hoạt động do cơ quan kiểm soát TS, TN thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ về TS, TN, biến động về TS, TN, nguồn gốc TS, TN tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán TS tham nhũng, thu hồi TS tham nhũng (Điều 3 Nghị định 130/2020/NĐ-CP).

Việc kiểm soát TS, TN của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay đã được thực hiện bởi cơ quan có tính chất chuyên trách, đó là các cơ quan kiểm soát TS, TN được xác định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng và hoạt động kiểm soát TS, TN chỉ do cơ quan này thực hiện.

Trong số các cơ quan kiểm soát TS, TN, các cơ quan thanh tra được xác định có vai trò quan trọng với những thẩm quyền và trách nhiệm lớn cũng như được trao nhiệm vụ quyền hạn đầy đủ để thực hiện vai trò của mình.

Thẩm quyền của cơ quan thanh tra trong kiểm soát TS, TN

Thanh tra Chính phủ kiểm soát TS, TN của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp Nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Thanh tra tỉnh kiểm soát TS, TN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc chính quyền địa phương, trừ những đối tượng thuộc sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ và những người thuộc sự kiểm soát của các cơ quan, tổ chức khác sẽ được xác định trong quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát TS, TN.

Như vậy, ngành Thanh tra sẽ có trách nhiệm rất lớn trong việc kiểm soát TS, TN của những người có chức vụ quyền hạn, bởi đối tượng kê khai trong các cơ quan, tổ chức đơn vị nói trên là rất lớn. Trách nhiệm này sẽ đặt ra cho ngành Thanh tra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian tới.

Luật Thanh tra năm 2010 đã được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung. Chắc chắn quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra Nhà nước trong kiểm soát TS, TN sẽ là một trong những nội dung được quan tâm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 130/NĐ-CP để tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra Nhà nước thực hiện trọng trách của mình.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát TS, TN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ).

Như vậy, khác với Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh, cơ quan thanh tra bộ không được xác định là cơ quan kiểm soát TS, TN. Công tác này sẽ do bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, thực hiện và có thể giao thanh tra bộ cùng với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu giúp cho công việc này.

Hiện nay, trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều cán bộ giữ các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Để bảo đảm thực hiện đúng quy định của luật và phù hợp với quy định của Đảng, cần có quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát TS, TN đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp. Vì vậy, Nghị định đã quy định "một số biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát TS, TN phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TS, TN theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng”.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra trong kiểm soát TS, TN

Để tạo điều kiện cho cơ quan kiểm soát TS, TN thực hiện tốt trách nhiệm của mình, pháp luật đã trao cho cơ quan này những quyền hạn lớn và khá toàn diện.

Cơ quan kiểm soát TS, TN có các quyền hạn sau đây:

- Yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về TS, TN từ 300.000.000 đồng trở lên so với TS, TN đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh TS, TN;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về TS, TN của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh TS, TN;

- Xác minh TS, TN và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát TS, TN (Đây có thể coi là điểm mới quan trọng tạo điều kiện để cơ quan kiểm soát TS, TN có thể chủ động việc xác minh và chịu trách nhiệm về quyết định đó của mình).

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý TS, TN áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch TS, TN hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh TS, TN;

Quyền hạn này được trao cho cơ quan kiểm soát TS, TN thể hiện vai trò to lớn của hoạt động này trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết không những bảo đảm hiệu quả của việc kiểm soát TS, TN mà còn bảo đảm cho việc thu hồi TS tham nhũng khi người sở hữu TS được xác định là tội phạm tham nhũng. Thực tế cho thấy nếu không có các biện pháp hữu hiệu thì ngay cả khi một người nào đó bị kết án về tội tham nhũng thì cũng khó có thể thu hồi được TS có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng do đã bị tẩu tán dưới nhiều hình thức khác nhau trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định TS, TN phục vụ việc xác minh.

Đây là một nội dung quan trọng trong xác minh TS, TN bởi vì giá trị TS là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá tính trung thực của việc kê khai TS. Trong khi đó TS, TN bao gồm rất nhiều loại và để xác định giá trị của nói đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn sâu đối với từng loại. Vì vậy, cơ quan kiểm soát TS, TN có quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định TS, TN phục vụ việc xác minh.

Theo quy định tại Nghị định 130/2020 NĐ-CP thì việc yêu cầu, đề nghị phải được thực hiện bằng văn bản do tổ trưởng tổ xác minh TS, TN, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan kiểm soát TS, TN ký. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời thông tin theo yêu cầu của người yêu cầu và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Người được yêu cầu phải chấp hành quyết định của người yêu cầu cung cấp thông tin. Quy định này nhằm bảo đảm cho các cơ quan kiểm soát TS, TN thực hiện được trách nhiệm của mình trong quá trình tiến hành xác minh, tránh được những khó khăn có thể gặp phải vì sự bất hợp tác thậm chí là chống đối của người được yêu cầu cung cấp thông tin.

Như vậy cơ quan kiểm soát TS, TN có đầy đủ các quyền hạn để phục vụ cho việc kiểm soát tình hình thực tế, sự biến động của TS, TN của người có nghĩa vụ kê khai và qua đó đánh giá về tính trung thực của việc kê khai cũng như các dấu hiệu nghi ngờ về sự thiếu trung thực, che giấu TS hoặc các nghi ngờ liên quan đến hành vi tham nhũng.

Đặc biệt là cơ quan kiểm soát TS, TN có quyền chủ động tự mình quyết định xác minh TS, TN và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát TS, TN. Đây là một quyền hạn rất quan trọng để khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành khiến cho việc tiến hành xác minh TS, TN của người có chức vụ, quyền hạn là hết sức khó khăn.

Để bảo đảm các quyền hạn của cơ quan kiểm soát TS, TN được thực hiện, Luật Sửa đổi cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phải cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh về TS, TN khi có yêu cầu của cơ quan kiểm soát TS, TN và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin đã cung cấp; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để làm rõ thông tin liên quan đến nội dung xác minh TS, TN hoặc để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch TS, TN hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh TS, TN; tiến hành định giá, thẩm định giá, giám định TS, TN theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan thanh tra Nhà nước cần nắm chắc các quy định mới để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm bảo đảm vai trò và trách nhiệm trong kiểm soát TS, TN của người có chức vụ, quyền hạn góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi TS tham nhũng có hiệu quả.

Trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch xác minh hằng năm

Theo quy định tại Điều 41 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì một trong những căn cứ để tiến hành xác minh TS, TN là kế hoạch xác minh TS, TN đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên. Cơ quan thanh tra được xác định là có trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch này. Cụ thể như sau:

Hằng năm, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng định hướng xây dựng kế hoạch xác minh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 10;

Căn cứ định hướng chung, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh TS, TN hằng năm; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.

Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát TS, TN phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hằng năm; chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, cơ quan kiểm soát TS, TN tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức công khai hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Cơ quan kiểm soát TS, TN mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

1. Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai TS, TN hằng năm.

2. Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về TS, TN trong thời gian 04 năm liền trước đó.

3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;

b) Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;

c) Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

Các cơ quan thanh tra cần nắm chắc các quy định về vấn đề mới này để một mặt thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc xây dựng kế hoạch xác minh hàng năm, mặt khác hướng dẫn và kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan kiểm soát TS, TN khác trong công việc này.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh
Vụ trưởng Vụ Pháp chế