Điều 18.2.NĐ.1.54. Thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

(Điều 54 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và pháp luật khác có liên quan, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình, thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích như sau:

1. Quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích và công khai, phổ biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của doanh nghiệp, tổ chức;

2. Quy định và thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm việc giám sát và áp dụng các biện pháp phù hợp khác theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột lợi ích;

3. Có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại;

4. Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Điều 18.2.NĐ.1.55. Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý

(Điều 55 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và pháp luật khác có liên quan, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình, quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu như sau:

1. Quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý;

2. Quy định hình thức xử lý trách nhiệm, các trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng nặng trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý;

3. Quy định trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

Điều 18.2.LQ.81. Thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

(Điều 81 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật này.

2. Trình tự, thủ tục thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 18.2.NĐ.1.56. Đối tượng thanh tra

(Điều 56 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Đối tượng thanh tra bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức sau:

1. Công ty đại chúng;

2. Tổ chức tín dụng;

3. Tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Điều 18.2.NĐ.1.57. Nội dung thanh tra

(Điều 57 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

1. Việc thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 53 của Nghị định này.

2. Việc kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 54 của Nghị định này.

3. Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo quy định tại Điều 55 của Nghị định này.

4. Các nội dung khác về thực hiện quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Điều 18.2.NĐ.1.58. Căn cứ ra quyết định thanh tra

(Điều 58 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:

1. Có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bao gồm: không ban hành quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định;

2. Yêu cầu của việc giải quyết phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Điều 18.2.NĐ.1.59. Thẩm quyền thanh tra

(Điều 59 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

1. Thanh tra bộ quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng đó trừ các trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Thanh tra Bộ Nội vụ thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức xã hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức sau đây:

a) Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh khi có căn cứ quy định tại Điều 58 của Nghị định này mà Thanh tra bộ quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng đó không tiến hành thanh tra. Quyết định thanh tra phải được gửi Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ có thẩm quyền.

Trước khi ra quyết định thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh phải trao đối với Chánh Thanh tra bộ có thẩm quyền. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ để xem xét, quyết định.

b) Tổ chức xã hội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

4. Thanh tra Chính phủ thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện; doanh nghiệp, tổ chức khi được Thủ tướng Chính phủ giao hoặc khi có căn cứ quy định tại Điều 58 của Nghị định này mà các Cơ quan thanh tra quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không tiến hành thanh tra.

Điều 18.2.NĐ.1.60. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra

(Điều 60 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

1. Trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Trình tự, thủ tục, thời hạn tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 18.2.NĐ.1.61. Kết luận thanh tra

(Điều 61 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

1. Kết luận thanh tra phải có các nội dung sau:

a) Kết luận về các nội dung được thanh tra;

b) Kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức được thanh tra trong tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo các mức độ: thiếu trách nhiệm trong quản lý; yếu kém về năng lực quản lý;

c) Yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức được thanh tra thực hiện các biện pháp để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

d) Xử lý hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý doanh nghiệp, tổ chức đối với việc vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

2. Kết luận thanh tra phải được công khai theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trường hợp kết luận doanh nghiệp, tổ chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì thực hiện như sau:

a) Danh sách doanh nghiệp có hành vi vi phạm phải được gửi về các Bộ, cơ quan quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử;

b) Danh sách tổ chức có hành vi vi phạm phải được gửi về Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ theo phân cấp quản lý để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử.

3. Trong trường hợp hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Hồng Việt