Điều 18.2.QĐ.2.15. Trách nhiệm của chủ thể giám sát

(Điều 15 Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2011)

1. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo đảm việc thực hiện các quy định về an sinh xã hội được áp dụng đúng đối tượng, chế độ, tiêu chuẩn, định mức; kịp thời phòng ngừa sai phạm trong quá trình thực hiện.

2. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí giám sát theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của việc thực hiện các quy định pháp luật về an sinh xã hội.

3. Công dân, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phản ánh kịp thời, trung thực những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.LQ.75. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo của Đề mục Phòng, chống tham nhũng; Điều 18.2.LQ.77. Trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.QĐ.2.16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát

(Điều 16 Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2011)

1. Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát quy định tại Điều 13 của Quyết định này cho các chủ thể giám sát.

2. Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát.

Điều 18.2.QĐ.2.17. Xử lý kết quả giám sát

(Điều 17 Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2011)

Căn cứ kết quả giám sát, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội, công dân, cá nhân, các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị đó hoặc chuyển cơ quan thanh tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.LQ.75. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo của Đề mục Phòng, chống tham nhũng; Điều 18.2.LQ.76. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của Đề mục Phòng, chống tham nhũng; Điều 18.2.LQ.77. Trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.LQ.75. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo

(Điều 75 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.QĐ.2.15. Trách nhiệm của chủ thể giám sát của Đề mục Phòng, chống tham nhũng; Điều 18.2.QĐ.2.17. Xử lý kết quả giám sát của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.LQ.76. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề

(Điều 76 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tuyên truyền, động viên người lao động, thành viên, hội viên của mình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.

2. Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tổ chức diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.QĐ.2.17. Xử lý kết quả giám sát của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.LQ.77. Trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng

(Điều 77 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Công dân tự mình hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia phòng, chống tham nhũng.

2. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.QĐ.2.15. Trách nhiệm của chủ thể giám sát của Đề mục Phòng, chống tham nhũng; Điều 18.2.QĐ.2.17. Xử lý kết quả giám sát của Đề mục Phòng, chống tham nhũng).

Chương VI

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC KHU VỰC NGOÀI NHÀ NƯỚC

Mục 1

XÂY DỰNG VĂN HÓA KINH DOANH LÀNH MẠNH, KHÔNG THAM NHŨNG

Điều 18.2.LQ.78. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh

(Điều 78 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh là chuẩn mực ứng xử phù hợp với đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của người hành nghề, người hoạt động kinh doanh nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề, kinh doanh.

2. Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật này và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình.

Điều 18.2.LQ.79. Xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng

(Điều 79 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

2. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Mục 2

ÁP DỤNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC KHU VỰC NGOÀI NHÀ NƯỚC

Điều 18.2.LQ.80. Áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

(Điều 80 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Các quy định sau đây được áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện:

a) Nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật này;

b) Kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23 của Luật này;

c) Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d khoản 3 Điều 73 của Luật này.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 18.2.NĐ.1.53. Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

(Điều 53 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

1. Căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và pháp luật khác có liên quan, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình, có trách nhiệm quy định cụ thể hình thức công khai, nội dung, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch trong doanh nghiệp, tổ chức mình.

2. Nội dung công khai, minh bạch bao gồm:

a) Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí nhân sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan.

b) Ngoài các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện còn phải công khai, minh bạch các nội dung sau: quy chế huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp; kết quả huy động, bao gồm: danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức và mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng; kết quả quản lý, sử dụng các khoản huy động vào mục đích từ thiện.

(Còn nữa)

Hồng Việt