Điều 18.2.NĐ.1.50. Trình tự, thủ tục, thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn là thành viên của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

(Điều 50 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn là thành viên của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và theo điều lệ, quy định của tổ chức đó.

Điều 18.2.NĐ.1.51. Chế độ, chính sách đối với người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác

(Điều 51 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được giữ nguyên chế độ, chính sách và các quyền, lợi ích hợp pháp khác như ở vị trí công tác trước khi tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Điều 18.2.NĐ.1.52. Khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng hoặc không có kết luận về hành vi tham nhũng

(Điều 52 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18.2.LQ.72. Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách

(Điều 72 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.

2. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới.

Điều 18.2.LQ.73. Xử lý trách nhiệmcủa người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách

(Điều 73 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng quy định tại Điều 72 của Luật này thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này thì bị xử lý kỷ luật.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm pháp lý trong các trường hợp sau đây:

a) Được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng;

b) Được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc đã chủ động, kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật;

c) Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình ngoài việc bị xử lý theo quy định của Điều này còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA XÃ HỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Điều 18.2.LQ.74. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

(Điều 74 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng;

b) Động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng;

c) Cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng;

d) Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị việc bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.TL.1.3. Mục đích, nguyên tắc sử dụng của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.QĐ.2.12. Chủ thể giám sát

(Điều 12 Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2011)

1. Các cơ quan quản lý nhà nước về an sinh xã hội giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội theo các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

3. Công dân, cá nhân, tổ chức trực tiếp giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội hoặc giám sát thông qua Ban thanh tra nhân dân theo quy định tại Quyết định này.

Điều 18.2.QĐ.2.13. Nội dung giám sát

(Điều 13 Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2011)

Người có trách nhiệm giám sát quy định tại Điều 12 Quyết định này tổ chức giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội theo nội dung sau:

1. Việc thực hiện công khai, minh bạch quy định pháp luật về an sinh xã hội.

2. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

3. Danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng từ quy định pháp luật về an sinh xã hội.

4. Việc áp dụng quy định pháp luật về an sinh xã hội với từng đối tượng cụ thể.

5. Tiến độ và tính kịp thời của việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

6. Kết quả thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

7. Hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

Điều 18.2.QĐ.2.14. Hình thức giám sát

(Điều 14 Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2011)

1. Việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội thông qua các hoạt động sau:

a) Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét, theo dõi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội;

b) Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội;

c) Kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội và giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.

2. Giám sát của cơ quan truyền thông, báo chí và công dân thông qua các hoạt động sau:

a) Tham gia các cuộc họp bàn về việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội trên địa bàn (khi được mời);

b) Thu thập thông tin liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội từ các ban, ngành chức năng ở địa phương; qua hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm có liên quan.

(Còn nữa)

Hồng Việt