UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên địa bàn.

Mục đích của kế hoạch là phát huy truyền thống của Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Tạo khí thế thi đua sôi nổi, huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô cùng chung sức, đồng lòng trong việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của Thủ đô đồng bộ, hiện đại.

Xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô; đảm bảo mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ TP.

Tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan toả; huy động mạnh mẽ các nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, với các dự án hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn. 

Đối tượng thi đua

a) Tập thể:

- Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các quận, huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan thuộc TP (gọi chung là cơ quan, đơn vị).

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế đăng ký và hoạt động trên địa bàn TP (gọi chung là doanh nghiệp).

- Các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành đóng trên địa bàn TP.

b) Cá nhân:

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các tập thể trên.

- Cá nhân liên quan tham gia hoạt động, đóng góp, ủng hộ phong trào.

Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, xây dựng, quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, sử dụng tài sản Nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Quản lý, sử dụng hiệu quả lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.

Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

a) Khen thưởng thành tích đột xuất hoặc đặc biệt xuất sắc đột xuất

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, khen thưởng và đề xuất TP khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất hoặc đặc biệt xuất sắc đột xuất theo quy định của pháp luật.

b) Khen thưởng hằng năm

Xét tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP trên cơ sở đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực phong trào).

Các cơ quan, đơn vị tặng Giấy khen theo thẩm quyền.

c) Khen thưởng sơ kết, tổng kết

Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương.

Cờ Thi đua của TP, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.

Giấy khen của các đơn vị theo thẩm quyền.

Ngoài ra, căn cứ đề nghị và thành tích thực tế đạt được của từng đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP và các đơn vị liên quan tổng hợp, đề xuất UBND TP xem xét quyết định.

Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Thi đua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thành sớm, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án trọng điểm; các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật; các công trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tạo sự đột phá, các dự án tạo nền tảng tiếp cận và nắm bắt cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hạ tầng số.

Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc của Thủ đô.

Thi đua huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng; chỉnh trang và phát triển đô thị, thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đối với các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể.

Thi đua nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị Nhà nước, đảm bảo thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư, chủ sở hữu Nhà nước đối với các dự án kết cấu hạ tầng.

Thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực, sử dụng nguyên vật liệu có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường.

Thi đua thực hiện công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại cộng đồng dân cư; tích cực tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất, vật liệu; chung sức làm đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi tại xã, phường, tổ dân phố. Đặc biệt chấp hành tốt việc tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng tại địa bàn cư trú.

Phong trào thi đua được triển khai và tổ chức thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030, chia thành các giai đoạn:

1. Giai đoạn 1 (từ năm 2023 đến năm 2025)

Ban hành kế hoạch và triển khai sâu rộng phong trào để thực hiện các nội dung kế hoạch.

Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở các cấp trong năm 2025 để triển khai giai đoạn tiếp theo.

2. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030)

Trên cơ sở sơ kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1, TP tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030.