Nhờ vậy, mà mọi người dân nơi đây có thể nắm được những đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nâng cao nhận thức cho dân

Bốn xã vùng lòng hồ Cấm Sơn gồm: Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn và Tân Sơn của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, có hơn 23 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Nùng, Tày. Đây là những địa phương khó khăn nhất của huyện Lục Ngạn, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 13,26%, cao hơn 9,45% mức bình quân chung của huyện.

Vì sống ở vùng hồ nước, điều kiện tự nhiên bị cô lập nên trình độ hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp dùng loa di động để tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng bị chia cắt được xem là hết sức hữu hiệu.

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sự đồng thuận của người dân nên thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng lòng hồ đã đạt kết quả nổi bật. Người dân đã hiểu làm thế nào để không vi phạm pháp luật, cũng như chỉ cho nhau thấy những việc làm trái pháp luật cần tránh xa.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, ở cả bốn xã hiện đều triển khai mô hình “loa tuyên truyền di động”. Tiêu biểu như, Hộ Đáp, đã bố trí mỗi thôn có từ 2 đến 3 loa truyền thanh cố định phục vụ tuyên truyền, ngoài ra còn sử dụng các loa di động trong những dịp cao điểm. Thôn Hợp Thành cách trung tâm xã 14 km đường bộ, đi thuyền cũng mất hơn 20 phút, địa hình khó khăn nên việc sử dụng loa di động để tuyên truyền rất hiệu quả.

Anh Chu Văn Viền - Phó trưởng thôn kiêm Bí thư Chi đoàn cho biết, trong tháng cao điểm phòng, chống tệ nạn ma túy (tháng 6); Tháng An toàn giao thông (tháng 9) hay Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11; các dịp lễ, Tết… anh và một số đoàn viên đi xe máy mang theo loa rong ruổi quanh thôn để phổ biến những quy định của pháp luật cho gần 160 hộ gia đình.

Đối với các xã vùng lòng hồ, nội dung tuyên truyền thường tập trung vào lĩnh vực đất đai; bảo đảm an toàn giao thông đường thủy; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng; tuyên truyền người dân không xả rác xuống hồ, không đánh bắt cá bé; vận động đẩy lùi hủ tục, tham gia bảo hiểm xã hội…

Người dân ở đây cho biết, do công việc đồng áng phải thường xuyên ra nương, ra rẫy do đó việc vừa làm, vừa nghe thông tin phổ biến về tình hình thời sự, những quy định pháp luật của Nhà nước như mấy tuổi thì được kết hôn, luật quy định về đất đai thế nào, vi phạm sử dụng ma túy bị xử lý ra sao…. là hết sức hữu hiệu.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cấm Sơn Nông Văn Phụng cho hay: “Những năm trước, trên địa bàn xảy ra tình trạng đánh bạc trong đám cỗ, thanh niên gây gổ, sử dụng súng tự chế. Ban lãnh đạo thôn, các cụm trưởng, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động nên tình trạng này được kiềm chế, giảm dần. Từ đầu năm đến nay, toàn xã không có đơn thư, khiếu kiện. Một số vụ mâu thuẫn, tranh chấp sớm hòa giải thành, giữ được tình làng, nghĩa xóm”.

Anh Chu Văn Thơm, thôn Bả, xã Cấm Sơn chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi đều dành thời gian nghe thông tin về các chính sách, quy định mới liên quan đến vùng dân tộc thiểu số, các vụ việc vi phạm pháp luật. Từ đó tôi đã nâng cao nhận thức cho bản thân, phòng tránh những vi phạm không có cho mình và gia đình”.

Vươn lên trên nước

leftcenterrightdel
Đánh cá trên hồ Cấm Sơn để tạo thêm thu nhập. Ảnh: Thu Minh 

Nhằm đánh thức tiềm năng, giúp người dân vùng lòng hồ vươn lên làm giàu, cuối năm 2021, UBND huyện Lục Ngạn đã ban hành đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội 4 xã vùng lòng hồ Cấm Sơn huyện Lục Ngạn, giai đoạn 2021-2025”.

Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lục Ngạn cho biết, mục tiêu đến năm 2025 sẽ phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo 4 xã vùng lòng hồ giảm xuống còn 8%.

Để đạt mục tiêu này, huyện đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách về kinh tế với các xã vùng thấp trên địa bàn huyện.

Cụ thể huyện, tỉnh và Trung ương sẽ đầu tư hơn 194 tỷ đồng (trong đó có 24,3 tỷ đồng do người dân đóng góp) để nâng cấp, xây mới 8 trạm bơm, mở 3 tuyến mương mới dài 760 m ở các thôn. Bảo đảm tưới tiêu đạt 90% diện tích canh tác nông nghiệp; mở rộng và cứng hóa hơn 94 km đường liên thôn nhỏ, hẹp. Nâng cấp và xây mới 16 trạm biến áp tại các xã Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Xây mới 19 phòng học và phòng chức năng ở Trường Tiểu học Cấm Sơn và Tiểu học Hộ Đáp. Xây dựng 41 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và 4 hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch; dạy nghề, tư vấn xuất khẩu lao động cho hơn 1 nghìn lượt người. Phấn đấu 100% hộ dân có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo, cải tạo nhà ở…

Ông Lục Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Đáp chia sẻ, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội ở 4 xã vùng lòng hồ Cấm Sơn đã triển khai đến các xã. Người dân chỉ mong Nhà nước sớm hỗ trợ để đề án sớm được thực hiện, giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Những năm gần đây, từ nỗ lực của người dân địa phương và sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, cuộc sống của người dân vùng lòng hồ Cấm Sơn đã có nhiều đổi thay. Nhiều hộ có thu nhập khá và vươn lên làm giàu từ chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng kinh tế và vải thiều. Nhiều hợp tác xã du lịch vùng lòng hồ ra đời, hoạt động hiệu quả.

Gần đây, vùng lòng hồ Cấm Sơn được nhiều du khách biết đến với cảnh non nước hữu tình. Huyện Lục Ngạn đã có kế hoạch để biến vùng đất này thành điểm du lịch thu hút khách tham quan. Đây được xem là cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Việc trang bị những biến thức pháp luật được xem là điều kiện cần thiết nhất để người dân nơi đây sẵn sàng hòa nhập vào dòng chảy phát triển hiện đại.

Thu Minh