Xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch, kế hoạch thống nhất

Nhằm trao đổi, thảo luận về những thành tựu đã đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết 19-NQ/TW và tìm ra những định hướng về  hoàn thiện bộ máy, tổ chức cơ quan quản lý đất đai trong tình hình mới, ngày 22/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Đổi mới, tăng cường, hoàn thiện bộ máy, tổ chức quản lý đất đai trong tình hình mới”.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để đổi mới, tăng cường, hoàn thiện bộ máy, tổ chức cơ quan quản lý đất đai trong tình hình mới theo thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, các quan điểm, định hướng chỉ đạo, đặc biệt liên quan đến bộ máy, tổ chức cơ quan quản lý đất đai đã được chế định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992) tại Điều 53 và Điều 54; trong Luật Đất đai 2013 được quy định tại Điều 2, Điều 4, Điều 23, cần xây dựng hệ thống thông tin đất đai phục vụ kiểm kê, hoạch toán đất đai, đăng ký quyền đất đai và tài sản trên đất theo địa chính 3D; hệ thống kinh tế, tài chính đất đai; hệ thống sử dụng đất, quy hoạch.

Bên cạnh đó, củng cố hệ thống văn phòng đăng ký đất đai theo hướng đảm bảo cho hệ thống đăng ký quyền đất đai theo địa chính 3D trên toàn quốc. Xây dựng hệ thống định giá đất, hệ thống quản lý quy hoạch, kế hoạch thống nhất từ trung ương tới địa phương; đảm bảo chia sẻ, liên thông dữ liệu thông tin đất đai với các hệ thống quản lý nhà nước khác, đặc biệt là liên thông thuế.

Đồng thời, ông Thọ cũng cho rằng, cần đảm bảo hệ thống thông tin đất đai hoạt động như hệ thống kho bạc nhà nước để hạch toán, kiểm toán tài nguyên đất đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Củng cố hệ thống Trung tâm Phát triển Quỹ đất theo mô hình Công ty Phát triển đất Nhà nước, khai thác quyền phát triển và tạo lập quỹ đất sạch để đấu giá; thực hiện điều chỉnh đất đai và thu hồi giá trị tăng thêm từ đất cho Nhà nước. Củng cố Quỹ Phát triển đất theo hướng Ngân hàng Đất đai đảm bảo tạo lập quỹ đất dự trữ và khai thác, phát huy hiệu quả đất thuộc quản lý Nhà nước.

Xây dựng hệ thống định giá chuyên nghiệp

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng, Việt Nam đã xây dựng một khung chính sách và pháp luật khá toàn diện về quản trị đất đai. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về chính sách cần được sửa đổi từ ngắn hạn đến dài hạn. Ngoài ra, có những hạn chế quan trọng liên quan đến việc thực thi trên thực tiễn.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, việc xác định tầm nhìn quản trị đất đai giai đoạn 2021-2045 hướng tới dịch vụ quản lý đất đai số và tương thích hiện đại cho quản lý nhà nước tốt về đất đai cần tập trung vào đảm bảo quyền đối với mọi đối tượng sử dụng đất; tính minh bạch và sự tham gia của người dân; định hướng dịch vụ (ưu tiên nhiều hơn cho khu vực thành thị, đặc biệt là các đô thị lớn).

Đồng thời, hoàn thành việc công nhận quyền sử dụng đất và bảo đảm quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất và tập quán của cộng đồng dân tộc thiểu số cũng như đất cộng đồng và làm rõ các điều kiện cho việc gia hạn tự động quyền sử dụng đất và thuê đất sắp hết.

Về xây dựng khung pháp lý và thể chế để tăng cường quản lý và giám sát đất công cũng cần xác định đất công và thành lập cơ quan quản lý và giám sát; hài hòa Luật Đất đai mới với các điều ước quốc tế về ODA, Hiến pháp và các luật liên quan.

Cần xác định vai trò và trách nhiệm của chính quyền trung ương/tỉnh. Cụ thể, Chính phủ thiết lập các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc gia về: Thuế bất động sản; thu hồi đất và tái định cư; các tiêu chuẩn định giá; thiết lập dịch vụ thống nhất, tiêu chuẩn kỹ thuật và giám sát; tiến hành cung cấp dich vụ trực tuyến; tích hợp và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…

Chính quyền tỉnh cần vận hành các tiêu chuẩn và nguyên tắc: Áp dụng định giá hàng loạt đối với thuế tài sản; định giá thị trường riêng lẻ; xây dựng, vận hành và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, đảm bảo chất lượng dữ liệu và cung cấp dịch vụ tại văn phòng và cung cấp dịch vụ trực tuyến…

Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, về nội dung đổi mới tổ chức, bộ máy cần nghiên cứu để huy động nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, nghiên cứu điều chỉnh chức năng nhiệm vụ bộ máy, tổ chức cơ quan quản lý đất đai phù hợp với chính sách pháp luật mới, phù hợp với yêu cầu xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực đất đai. Đặc biệt phải xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý cho hiệu quả; xây dựng hệ thống định giá chuyên nghiệp…

Thái Hải