Trình bày tại hội thảo, ThS. Lê Văn Đức chia sẻ, đối tượng thanh tra có thể là chủ thể, đối tượng thanh tra cũng có thể là hoạt động (việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; việc thực hiện dự án). Trên thực tế, việc xác định rõ ràng đối tượng thanh tra phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có nội dung thanh tra; quy định pháp luật về phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể quản lý; quy chế làm việc, chế độ làm việc… Chính vì vậy, nếu đối tượng thanh tra không được xác định rõ ràng, cụ thể thì những chủ thể có liên quan đến đối tượng thanh tra sẽ rất rộng, khó khoanh vùng phạm vi, nội dung thanh tra.

“Nếu xác định cụ thể, rõ ràng đâu là đối tượng thanh tra, đâu là đối tượng có liên quan, đối tượng kiểm tra, xác minh thì Đoàn thanh tra có phương án, kế hoạch cụ thể trong quá trình tiến hành thanh tra, cụ thể là việc phân công cán bộ thực hiện các nhiệm vụ của đoàn thanh tra; triển khai các nội dung thanh tra; xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh”, ThS. Lê Văn Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nếu xác định đối tượng thanh tra là tập thể (ủy ban nhân dân, hội đồng quản trị, hội đồng chấm thầu…) thì khi nhận xét, đánh giá, xác định mức độ trách nhiệm và kiến nghị các biện pháp xử lý phải có phương pháp, cách thức khác khi nhận xét, đánh giá, xác định trách nhiệm và kiến biện pháp nghị xử lý khi đối tượng thanh tra là cá nhân.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH 

Góp ý tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ, việc xác định đối tượng thanh tra cần xác định theo thẩm quyền trên hai khía cạnh, khía cạnh về mặt quản lý nhà nước và về mặt nội dung hoạt động của đối tượng thanh tra.

Việc xác định quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra cũng cần xác định theo cấp độ trực tiếp và cấp độ liên quan. Phần những yếu tố ảnh hưởng, vai trò ý nghĩa của đối tượng tượng thanh tra, cần xác định đối tượng thanh tra qua việc xác định mô hình tổ chức thanh tra nhằm tìm ra quy mô quản lý phù hợp trong thời gian tới.

Về ý kiến xác định đối tượng thanh tra cần tiếp cận theo khía cạnh chủ thể hay nội dung hoạt động, TS. Phạm Thị Huệ, Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài cần làm rõ và phân tích sâu hơn. Bà Huệ cho rằng, điều này xuất phát từ thực tế trong hoạt động thanh tra đối tượng thanh tra được xác định cả về mặt chủ thể và nội dung hoạt động trong khi Luật Thanh tra hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, khác với ý kiến của TS. Phạm Thị Huệ; TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, vấn đề chính mà đề tài cần giải quyết là làm rõ quyền của đối tượng thanh tra: khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên…

Ngoài ra, đối với một số quyền như quyền tố cáo, quyền khiếu nại, kết luận thanh tra chưa được quy định trong Luật Thanh tra hiện nay cũng cần được đặt ra trong đề tài này nhằm hướng tới việc sửa đổi Luật Thanh tra trong thời gian tới. Đặc biệt, việc xử lý sau khi có Kết luận thanh tra (việc thu hồi tài sản sau thanh tra) cũng cần được phân tích, làm rõ để xác định được nghĩa vụ của đối tượng thanh tra.

Bổ sung cho ý kiến trên, TS. Nguyễn Thu Nga, Viện CL&KHTT nhấn mạnh, đề tài cần đánh giá thuận lợi cũng như khó khăn khi đồng thời thực thi song song cả hai phương án trên, qua đó sẽ rút ra được những hạn chế, ưu điểm của từng phương án…

Thái Hải