Đó là một trong số các quy định tại Dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân đang được Bộ Công an lấy ý kiến góp ý.

Theo Dự thảo, Thông tư này quy định về nguyên tắc, hình thức, thẩm quyền, trình tự tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân.

Thẩm quyền ra quyết định thanh tra theo kế hoạch

1. Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thanh tra trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh) và những cuộc thanh tra liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an.

2. Chánh Thanh tra Bộ Công an ra quyết định thanh tra các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an đối với cơ quan thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi cả nước hoặc liên quan đến nhiều địa phương; cơ quan, tổ chức ở Trung ương; cơ quan, tổ chức ở địa phương.

3. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ra quyết định thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền được giao trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

4. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Giám đốc Công an tỉnh) ra quyết định thanh tra những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý khi cần thiết hoặc thanh tra các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân huyện) theo đề nghị của Chánh Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Chánh Thanh tra Công an tỉnh).

5. Chánh Thanh tra Công an tỉnh ra quyết định thanh tra những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự của Công an tỉnh đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.

Thẩm quyền ra quyết định thanh tra đột xuất, thanh tra lại

Trong phạm vi quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an, thẩm quyền ra quyết định thanh tra đột xuất, thanh tra lại được quy định như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi xảy ra tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương hoặc do Quốc hội, Chính phủ giao, Thanh tra Chính phủ yêu cầu; thanh tra lại những vụ, việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Công an kết luận thanh tra nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Chánh Thanh tra Bộ Công an ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi xảy ra tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc những vụ, việc do Bộ trưởng Bộ Công an giao; thanh tra lại những vụ, việc đã được Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Công an tỉnh kết luận thanh tra nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại những vụ, việc thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công an đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Công an giao.

3. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý hoặc những vụ, việc được Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Công an yêu cầu.

4. Trong phạm vi thuộc thẩm quyền của mình, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi xảy ra tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp hoặc những vụ, việc do Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Chánh Thanh tra Bộ Công an yêu cầu; thanh tra lại những vụ, việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chánh Thanh tra Công an tỉnh kết luận thanh tra nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

5. Chánh Thanh tra Công an tỉnh ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi xảy ra tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp thuộc thẩm quyền quản lý của Công an tỉnh hoặc những vụ, việc do Giám đốc Công an tỉnh giao; thanh tra lại những vụ, việc thuộc thẩm quyền quản lý của Công an tỉnh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện kết luận thanh tra nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Giám đốc Công an tỉnh giao.

Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra

Trước khi công bố quyết định thanh tra ít nhất 05 ngày làm việc (trừ thanh tra đột xuất), Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra soạn thảo văn bản trình người ra quyết định thanh tra ký thông báo về việc công bố quyết định thanh tra để gửi cho đối tượng thanh tra. Thông báo phải nêu rõ về thời gian, địa điểm tiến hành công bố quyết định thanh tra, thành phần tham dự.

Công bố quyết định thanh tra

1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải tổ chức công bố quyết định thanh tra.

2. Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra, gồm:

a) Đoàn thanh tra;

b) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng thanh tra;

c) Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra có thể mời người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra.

3. Việc tiến hành công bố quyết định thanh tra thực hiện như sau:

a) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự và chương trình buổi công bố quyết định thanh tra;

b) Trưởng đoàn thanh tra đọc toàn văn quyết định thanh tra, nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cơ bản của cuộc thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và phương pháp tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo dự kiến lịch thanh tra của Đoàn thanh tra;

c) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra báo cáo kết quả chấp hành pháp luật về những nội dung thanh tra theo đề cương yêu cầu báo cáo;

d) Những người tham dự buổi công bố quyết định thanh tra trao đổi về những vấn đề cần bổ sung, làm rõ trong báo cáo, thống nhất lịch thanh tra;

đ) Trưởng đoàn thanh tra tổng hợp các ý kiến trao đổi và nếu xét thấy cần thiết thì có thể yêu cầu đối tượng thanh tra bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra và lịch thanh tra tại các cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra;

e) Người ra quyết định thanh tra (nếu có) hoặc Trưởng đoàn thanh tra phát biểu kết thúc buổi công bố quyết định thanh tra.

4. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản có chữ ký của lãnh đạo đoàn thanh tra và đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, mỗi bên giữ một bản.

Tiến hành thanh tra

Sau khi công bố quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo lịch đã thống nhất tại buổi công bố quyết định thanh tra. Tại mỗi cơ quan, tổ chức được thanh tra, Đoàn thanh tra có thể tiến hành các hoạt động sau đây:

1. Tiếp nhận báo cáo bằng văn bản của đối tượng thanh tra và nghe đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra trực tiếp báo cáo.

2. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra có liên quan đến nội dung thanh tra để Đoàn thanh tra nghiên cứu, phân tích, đánh giá.

Nếu xét thấy cần thu giữ hồ sơ, tài liệu làm căn cứ cho kết luận thanh tra thì yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp. Việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu phải được lập thành biên bản; nếu không cần thiết thu giữ bản gốc thì yêu cầu đối tượng cung cấp bản sao y hoặc trích sao, sao lục.

3. Làm việc trực tiếp với người thụ lý, giải quyết vụ việc, quản lý hồ sơ, tài liệu và người có liên quan đến nội dung thanh tra để yêu cầu báo cáo, giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu. Quá trình làm việc phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên liên quan, trường hợp không ký thì ghi rõ lý do.

4. Tiến hành kiểm tra, đo, đếm, quan sát trực quan hiện vật, hiện trường, cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ có liên quan đến nội dung thanh tra.

5. Tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ những vấn đề chưa đủ cơ sở kết luận. Thành viên Đoàn thanh tra được giao nhiệm vụ phải báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh bằng văn bản, kèm theo tài liệu, chứng cứ đã thu thập được.  

6. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm theo mẫu quy định. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên hoặc Trưởng đoàn thanh tra thì ra quyết định xử phạt theo quy định. Nếu hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt thì phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm thì phải thu thập tài liệu, chứng cứ làm cơ sở báo cáo người ra quyết định thanh tra.

7. Khi tiến hành thanh tra ở các đơn vị cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, Đoàn thanh tra phải lập biên bản thanh tra.

8. Khi xét thấy cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra áp dụng các biện pháp theo quy định tại Điều 53 Luật Thanh tra hoặc đề xuất người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc thẩm quyền theo quy định tại Điều 55 Luật Thanh tra.

9. Khi kết thúc thanh tra tại mỗi cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra, Đoàn thanh tra phải lập biên bản ghi nhận kết quả thanh tra. Biên bản được lập thành 02 bản, có chữ ký xác nhận của đại diện Đoàn thanh tra và đại diện cơ quan, tổ chức được thanh tra (mỗi bên giữ một bản).

Hoàn chỉnh, bàn giao hồ sơ cho Cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác có thẩm quyền

1. Trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra có dấu hiệu tội phạm hoặc không thuộc thẩm quyền xử lý của Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo người ra quyết định thanh tra để chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc lập hồ sơ kiến nghị khởi tố vụ án hình sự thực hiện theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến chỉ đạo bằng văn bản về bàn giao hồ sơ của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải làm thủ tục bàn giao hồ sơ. Biên bản bàn giao hồ sơ và văn bản chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra phải được lưu trong hồ sơ cuộc thanh tra.

Công khai kết luận thanh tra

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản thông báo cho đối tượng thanh tra về việc tổ chức công khai kết luận thanh tra theo sự chỉ đạo của người ban hành kết luận thanh tra.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành, kết luận thanh tra phải được công khai, trừ kết luận thanh tra có nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

3. Việc công khai kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Thanh tra, Điều 46 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP và quy định dưới đây:

a) Công bố kết luận thanh tra tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra kết luận thanh tra hoặc người được ủy quyền, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo. Việc công bố kết luận thanh tra tại cuộc họp phải được lập thành biên bản để lưu hồ sơ cuộc thanh tra và giao cho đối tượng thanh tra. Trường hợp đã lấy ý kiến vào dự thảo thì gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra biết và tổ chức thực hiện các kiến nghị nêu trong kết luận;

b) Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo quy định tại điểm a khoản này, người ký kết luận thanh tra phải thực hiện ít nhất một trong các hình thức sau đây nếu kết luận thanh tra không có nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước:

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, gồm: Báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Thời gian thông báo trên báo nói, báo điện tử ít nhất 02 lần; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 01 số phát hành;

- Thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiến hành thanh tra hoặc cơ quan Công an cùng cấp ít nhất 05 ngày liên tục;

- Giao cho đối tượng thanh tra tự niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc; thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm cung cấp một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.

4. Việc tổ chức công bố kết luận thanh tra tại cuộc họp và lựa chọn các hình thức công khai kết luận thanh tra do người ký kết luận thanh tra quyết định theo đề xuất của Trưởng đoàn thanh tra.

Hà Anh