Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp

Báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày 31/8/2020, cho biết, Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP đã được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai thực hiện một cách kịp thời, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Việc đăng tải, công khai thông tin, cung cấp thông tin được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu tiếp cận thông tin của tổ chức và cá nhân; tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư tìm hiểu, thực hiện đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh; góp phần tăng năng lực thu hút đầu tư của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Kết quả cung cấp thông tin trong các lĩnh lực:

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực đất đai: 5.611.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực y tế: 66.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực giáo dục: 93.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở: 214.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh: 828 thông tin.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân sách: 51.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường: 211.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: 17.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực tư pháp: 10.686.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực nội vụ: 162.

Cung cấp thông tin trong lĩnh vực khác: 133.

Thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân khi triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, công tác quản lý Nhà nước của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố được nâng cao về hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.

Bên cạnh đó, người dân cũng đã kịp thời phản ánh, kiến nghị các vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành các chính sách, quy định pháp luật để các cơ quan Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đáng chú ý, việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật, văn bản hướng dẫn thi hành được chú trọng, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền cơ bản của con người, của công dân, quyền được tiếp cận thông tin của công dân.

Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời đăng tải, cung cấp thông tin do cơ quan, đơn vị mình tạo ra; chưa kịp thời lập danh mục thông tin phải công khai và đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử theo quy định; một số thông tin đã được đăng tải nhưng chưa đầy đủ, đúng thời gian theo quy định.

Nhu cầu tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng; tuy nhiên, việc công khai và cung cấp thông tin có lúc, có nơi chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin

Qua thực tiễn triển khai, tỉnh Bình Định đề xuất, kiến nghị các cơ quan xây dựng, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về tiếp cận thông tin cần hướng dẫn cụ thể về nội dung kiểm tra và các trường hợp thực hiện kiểm tra, phương thức kiểm tra, thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, nội dung quyết định kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP.

Quy định rõ về cán bộ đầu mối; tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tình trạng áp dụng không thống nhất về việc giao cán bộ đầu mối cung cấp thông tin, có nơi giao cho cán bộ văn phòng, có nơi giao cho cán bộ tiếp công dân, bộ phận thanh tra hoặc có nơi lại giao cho cán bộ làm công tác pháp chế ngành thực hiện...

Quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin; về đánh giá, bình xét, chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

Đối với các cơ quan thực thi pháp luật về tiếp cận thông tin, thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ cung cấp, công khai thông tin, các biện pháp, quy trình bảo quản, bảo mật thông tin và hệ thống quản lý thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối cung cấp thông tin.

Cài đặt phần mềm đọc văn bản và kết nối với dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật.