Trình bày tại cuộc họp, đại diện Tổ Biên tập đã trình bày Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Theo đó, Luật Thanh tra sửa đổi bao gồm 7 chương, 100 điều.

Chương 1: Những quy định chung từ Điều 1 đến Điều 13 quy định phạm vi điều chỉnh, mục đích hoạt động, các cơ quan thanh tra Nhà nước, chức năng, nguyên tắc, hoạt động thanh tra.

Tại chương này các đại biểu đã thảo luận về cơ quan thanh tra Nhà nước. Theo đó chương đang dự thảo có 2 phương án.

Phương án 1 cơ quan thanh tra gồm Thanh tra Chính phủ; thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là thanh tra bộ, thanh tra một số cơ quan thuộc Chính phủ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thanh tra tỉnh); thanh tra một số tổng cục và tương đương; cơ quan thanh tra được thành lập theo yêu cầu của điều ước quốc tế và Việt Nam ký kết hoặc tham gia; Chính phủ quy định các cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục và tương đương có cơ quan thanh tra Nhà nước.

Phương án 2: Ngoài các cơ quan ở phương án 1, thêm 2 cơ quan là thanh tra một số sở; thanh tra một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (thanh tra huyện).

Về hoạt động thanh tra, các đại biểu thống nhất chỉ được tiến hành bởi các cơ quan thanh tra Nhà nước do đoàn thanh tra, thanh tra viên thực hiện trên cơ sở quyết định thanh tra.

Chương 2: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra Nhà nước từ điều 14 đến 35 chia làm 5 mục lớn được phân theo tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan như: Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra tổng cục, thanh tra sở và Thanh tra huyện.

Trong đó nhấn mạnh Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn như thanh tra vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao; xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần thiết; quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Mặt khác cũng nhấn mạnh nhiệm vụ Tổng Thanh tra là lãnh đạo công tác của Thanh tra Chính phủ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật thuật lĩnh vực quản lý nhà nước theo thẩm quyền trong phạm vi cả nước.

Tổng Thanh tra cũng có quyền hạn yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm được phát hiện trong quá trình tiến hành thanh tra thuộc thẩm quyền của Thanh tra Bộ, Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh;

Đặc biệt, Tổng Thanh tra có quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Thanh tra tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (hoặc thanh tra lại vụ việc đã được các cơ quan thanh tra nhà nước kết luận).

Chương 3: Thanh tra, Kiểm tra nội bộ trong các cơ quan, tổ chức đơn vị của nhà nước.

Tại Chương này, Tổ Biên tập đưa ra 2 phương án lấy ý kiến. Phương án 1: Thanh tra kiểm toán nhà nước, Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Thanh tra Tòa án nhân dân Tối cao.

Phương án 2: Tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ trong các cơ quan, tổ chức đơn vị (từ Điều 36 đến Điều 48).

Chương 4: Tiêu chuẩn Thanh tra viên và các chức danh trong cơ quan thanh tra bao gồm 6 điều (Điều 39 đến 44).

Chương 5: Hoạt động Thanh tra, Chương này được coi là nòng cốt của Luật Thanh tra sửa đổi bao gồm 8 mục từ Điều 45 đến Điều 92 quy định các nội dung như: xây dựng, phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra, hình thức thanh tra, thẩm quyền ra quyết định thanh tra, thời hạn thanh tra, công tác chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra, kết thúc thanh tra…

Tại Chương này, các đại biểu cho rằng, để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra thì cần bổ sung một khoản theo hướng những nội dung vụ việc mà Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện thì Thanh tra Chính phủ không làm, những nội dung Thanh tra Chính phủ làm thì Thanh tra Bộ không làm và những nội dung Thanh tra Bộ làm Thanh tra tỉnh không thực hiện nữa.

Đồng thời, khi thực hiện hoạt động Thanh tra, thì cần cân nhắc những kiến nghị của địa phương, tổ chức đơn vị chuẩn bị thanh tra.

Đại diện Tổ Biên tập cho biết, Điều 84 của Chương được xem là điều mới (Thẩm định và tham khảo ý kiến về Dự thảo Kết luận thanh tra). Với nội dung: Khi nhận được dự thảo Kết luận thanh tra, Người ra quyết định thanh tra phải trực tiếp xem xét hoặc chỉ đạo việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra để bảo đảm việc ban hành Kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng thời hạn.

Điều này cũng quy định: Người ra quyết định thanh tra có thể giao cho một hoặc một số công chức có chuyên môn phù hợp thực hiện việc thẩm định một hoặc một số nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra; Người thực hiện thẩm định có trách nhiệm tiến hành thẩm định. Người ra quyết định thanh tra về kết quả thẩm định. Trường hợp cần thiết, Người thực hiện thẩm định làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra để làm rõ thêm về nội dung thẩm định của dự thảo Kết luận thanh tra…

Đối với Điều 85 (Ban hành Kết luận thanh tra) cần chỉnh sửa bổ sung thêm nội dung: Những vụ việc phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, có yếu tố nước ngoài hoặc có ảnh hưởng lớn được xã hội quan tâm thì Người ra quyết định thanh tra báo cáo, xin ý kiến thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp trước khi ký Kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra phải được ký trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có ý kiến của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.

Chương 6: Giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra gồm 4 điều từ Điều 93 đến Điều 96.

Điều 94: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra cụ thể cần quy định rõ khiếu nại một phần hoặc toàn bộ hoạt động thanh tra.

Điều 96: Tố cáo và giải quyết tố cóa về hoạt động thanh tra cần thực hiện tinh thần trên cơ sở Luật Tố cáo.

Chương 7: Điều khoản thi hành gồm 4 điều từ Điều 97 đến Điều 100.

Kết thúc cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra đánh giá cao tinh thần làm việc của Tổ Biên tập. Đồng thời, đề nghị Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp nhằm hoàn chỉnh nội dung Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.

Thái Hải