Người dân vẫn phải nộp thêm lệ phí ngoài để giao dịch các dịch vụ công

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, việc đo lường sự hài lòng năm 2021 tiến hành điều tra xã hội học với tổng số 30.000 phiếu phiếu phát ra tại 63 tỉnh trong cả nước. Đây là một năm mà việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong cả nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 gây ra. 

Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tập trung vào 5 yếu tố trong quá trình cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ở địa phương, gồm: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính (TTHC), công chức giải quyết công việc; kết quả dịch vụ; và việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức.

Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức năm 2021 cho thấy, người dân, tổ chức chủ yếu tiếp cận thông tin về cơ quan cung ứng dịch vụ công và quy định TTHC thông qua công chức, với các chỉ số lần lượt là 50,88% và 62,72%, còn lại là các hình thức khác. Tỷ lệ người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về 2 nội dung này thông qua mạng internet chỉ là 12,64% và 14,89%.

Đáng lưu ý, vẫn có 3,26% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. Việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần xảy ra tại 61/63 tỉnh.

0,45% người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu, 0,14% người dân, tổ chức phản ánh phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình giao dịch dịch vụ công.

46/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 22/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phí.

2,85% người dân, tổ chứckhông nhận được giấy hẹn trả kết quả dịch vụ và tình trạng này xảy ra ở 25/63 tỉnh.

2,57% người dân, tổ chức bị trễ hẹn trả kết quả, trong số đó, chỉ có 40.38% nhận được thông báo của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả và 42,58% nhận được xin lỗi của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả. 

57/63 tỉnh xảy ra tình trạng trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, trong đó chỉ có 4/57 tỉnh thực hiện thông báo cho người dân, tổ chức về việc trễ hẹn và cũng 4/57 tỉnh đã thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức về việc trễ hẹn.

Theo báo cáo được công bố, ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi các cơ quan hành chính Nhà nước cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa TTHC, với 54,02% mong đợi; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, với 51,89% người dân, tổ chức mong đợi; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, với 47,26% người dân, tổ chức mong đợi.

Mặc dù yếu tố TTHC nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức cao thứ 2 trong số 5 yếu tố được đánh giá nhưng 2 nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi được cơ quan hành chính Nhà nước cải thiện nhiều nhất đều thuộc yếu tố TTHC.

Tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách 

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, đây là năm thứ 10 công bố chỉ số CCHC và là năm thứ 5 đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai các nội dung CCHC, tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức rõ những hạn chế, bất cập trong công tác CCHC thời gian qua cần phải khắc phục. Kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số CCHC năm 2021 đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trên tất cả các lĩnh vực, từ chỉ đạo điều hành, đến cải cách thể chế, TTHC, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách công vụ, công chức và xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử chưa đạt như mong muốn, phần nào đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; với phương châm hành động của Chính phủ “đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, do vậy, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách; nhất là trách nhiệm các bộ ngành trong hoàn thiện thể chế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách TTHC, trọng tâm là tạo ra bước đột phá trong cải cách TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bãi bỏ các TTHC đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các bộ, cơ quan, địa phương.

 

Phương Anh