Theo GS.TS. Vũ Công Giao, các mô hình quản trị nhằm phòng, chống tham nhũng đã và đang được triển khai có ít hiệu quả trên thực tế. Theo một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam rút ra từ kinh nghiệm của các nước Đông Á cho thấy, chiến lược phòng, chống tham nhũng chuẩn tập trung giải quyết vấn đề tự do hóa, minh bạch, cải thiện chế độ tiền lương cho cán bộ công chức và tăng cường trách nhiệm giải trình.

Tuy nhiên, những chiến lược phòng, chống tham nhũng như vậy nói chung mang lại rất ít kết quả ở hầu hết các nước. Kết hợp với sự thay đổi về bối cảnh quản trị trong thời đại số, đòi hỏi cần có những phương án, mô hình mới trong công tác phòng, chống tham nhũng để đạt được hiệu quả cao hơn.

Việc thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan tổ chức, đơn vị ở nước ta hiện nay còn hình thức, hiệu quả thấp một số giải pháp phòng ngừa còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; còn để kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra.

Thực tế này một phần do việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém, một số nơi còn buôn lỏng quản lý để xảy ra vi phạm, tham nhũng. Những lý do căn bản là cơ chế quản trị hiện hành còn chưa hiệu quả trong việc đánh giá trách nhiệm của cán bộ, công chức, chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể dẫn tới sự tùy nghi và lạm dụng trong thực thi công vụ.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng mà có vẫn là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước quản trị công còn yếu khiến cho khả năng kiểm soát tài sản nói chung và tài sản có được do tham nhũng nói riêng còn hạn chế. Thậm chí, do xu hướng toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng góp phần xóa bỏ nhiều rào cản, khiến cho việc tẩu tán những tài sản bất hợp pháp trở nên dễ dàng và tinh vi hơn.

"Với những lý do trên đây, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Hiến pháp năm 2013 và các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng chính quyền liêm chính, hiện đại; việc nghiên cứu đề tài: “Quản trị tốt nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” là cần thiết và mang tính thời sự", ông Giao nhấn mạnh.

Với mục tiêu nghiên cứu là nghiên cứu những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về quản trị tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng; đề xuất quan điểm, giải pháp cải cách những khía cạnh cốt lõi có liên quan của quản trị Nhà nước, mà qua đó nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian tới.

Góp ý nghiên cứu đề tài, đại diện ủy viên phản biện cho rằng, đề tài nên điểm qua các công trình nghiên cứu tiêu biểu; đối tượng nghiên cứu tương đối rõ, phạm vi nghiên cứu phù hợp, phương pháp nghiên cứu nên có điều tra xã hội học để có cách tiếp cận một cách căn bản.

Đối với nội dung nghiên cứu, về cơ bản, nhất trí với nội dung Ban Chủ nhiệm đưa ra. Tuy nhiên, nội dung 1 và nội dung 2 cần làm rõ mối quan hệ và sự tương đồng, sự khác biệt giữa quản lý Nhà nước theo phương pháp hiện hành với quản trị tốt mà chúng ta hiện có. Như vậy cần làm rõ các yếu tố nâng quản lý Nhà nước thành quản trị Nhà nước tốt; đề cập đến các yếu tố cản trở để tìm cách khắc phục. Nội dung 3 lưu ý bám sát thực tiễn hơn để có hướng hoàn thiện lý luận, áp dụng thực tiễn rõ, đặc biệt quá trình, cách triển khai trong thực tiễn, trong đó đặc biệt lưu ý đến bộ máy và cơ sở vật chất; phần kinh phí khá hợp lý, tuy nhiên, nếu được nâng lên cao hơn thì sẽ tốt hơn.

Theo TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, việc nghiên cứu nội dung này rất hay và ý nghĩa, giải mã việc quản trị tốt, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước. Tuy nhiên, về cán bộ nghiên cứu đề tài, không thể thiếu cán bộ quản lý; mục tiêu chung trình bày bao trùm gồm cả mục tiêu cụ thể, vì thế cần trình bày lại cho khái quát hơn; phạm vi nghiên cứu, không thấy có kinh nghiệm nước ngoài nhưng nội dung lại có, vì vậy cần phải thể hiện lại; tính cấp thiết, cần làm sáng rõ hơn tính cấp thiết từ góc độ lý luận, tính cấp thiết từ thực tiễn, tính cấp thiết từ các công trình nghiên cứu.

Nội dung 1, bổ sung thêm các yếu tố tác động; so sánh giữa quản trị tốt với quản lý Nhà nước. Nội dung 2, việc triển khai các nội dung đánh giá này là rất khó, nên đánh giá theo những tiêu chí. Nội dung 3 là tương đối tốt và đầy đủ.

TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cũng cho rằng, Chương I cần làm rõ tác động của quản trị tốt, kinh nghiệm quốc tế; Chương II, đánh giá thực trạng theo 8 nội dung của quản trị tốt và 19 giải pháp phòng, chống tham nhũng; Chương III, giải pháp đi theo hai nhóm giải pháp: hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện.

Hội đồng nhất trí thông qua phê duyệt đề tài. Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa nội dung để hoàn thiện thuyết minh trước khi đưa vào triển khai thực hiện.

 

Thái Hải