Theo TS. Tạ Thu Thủy, thực tế đã có những vụ việc tham nhũng trong các tổ chức chính trị-xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Do các tổ chức chính trị - xã hội không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nên các hành vi tham nhũng chủ yếu dưới dạng tham ô tài sản hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái pháp tài sản công vì vụ lợi.

Nguyên nhân thực trạng, rủi ro tham nhũng trong các tổ chức chính trị- xã hội là do cơ chế tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội được thiết lập từ Trung ương đến địa phương cấp cơ sở. Các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương còn có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập như Học viện Phụ nữ, Học viện Thanh niên… Với hệ thống đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông đảo. Ngân sách hàng năm và các nguồn tài trợ khác cho các tổ chức chính trị - xã hội rất lớn, nếu không quản lý chặt chẽ thì rất dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, nhiều tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò trong việc huy động các nguồn lực đóng góp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn quỹ này đã được phát hiện như không sử dụng đúng mục đích, để ngoài sổ sách không quyết toán.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội còn có quyền tham gia nhận ủy thác với ngân hàng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Bên cạnh kết quả dịch vụ ủy thác đạt được thì những vi phạm ở cơ sở vẫn xảy ra như trong khâu khảo sát, xét duyệt đối tượng thụ hưởng...

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội là thành phần cấu thành của hệ thống chính trị được Nhà nước cân đối cung cấp ngân sách hoạt động. Trên thực tế, nguồn chi ngân sách hằng năm cho các tổ chức chính trị - xã hội rất lớn, ví dụ năm 2017, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được phê duyệt dự toán chi 357 tỷ đồng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là 101,1 tỷ đồng…

Các tổ chức chính trị được giữ lại một phần phí, lệ phí theo chế độ quy định và sử dụng các khoản thu hợp pháp khác. Tuy không theo dõi hoạch sách kế toán, nhưng nguy cơ lạm dụng nguồn thu chung nhằm mục đích cá nhân riêng là khó tránh khỏi…

Trước thực trạng về tham nhũng trong các tổ chức chính trị- xã hội đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả PCTN trong các tổ chức chính trị- xã hội. Theo đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong các tổ chức chính trị - xã hội phải gắn với cơ chế kiểm soát nội bộ, đặc biệt là kiểm soát việc quản lý tài chính, tài sản Nhà nước và các nguồn viện trợ. Do đó, cần xác định những biện pháp phòng ngừa tham nhũng có trọng tâm, đặc biệt là thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Với quy mô hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội như hiện nay, cần phải xác định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên không chỉ có trách nhiệm tham gia vào công tác PCTN nói chung mà còn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCTN trong chính hệ thống tổ chức mình.

Thường xuyên nâng cao nhận thức, cập nhật thông tin, kịp thời chỉ đạo và tổ chức cho cán bộ, hội viên phát huy vai trò giám sát và thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, lãng phí; coi công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của các cấp tổ chức.

Ngoài ra, người đúng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cần chỉ đạo trong hệ thống tổ chức mình tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia PCTN; chủ động thực hiện giám sát, phản biện xã hội, nhất là những nội dung liên quan đến PCTN; thực hiện công khai minh bạch, phát huy vai trò nòng cốt của thành viên tổ chức mình trong nâng cáo nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCTN; gắn việc thực hiện PCTN với các phong trào thi đua do tổ chức mình phát động.

Cho ý kiến tại hội nghị nghiệm thu, các thành viên Hội đồng Nghiệm thu đánh giá nội dung đề tài rộng, phong phú; sản phẩm công phu, chất lượng cao, đề tài đi đúng hướng, hàm lượng lý thuyết nhiều, thực tiễn rộng, kiến nghị đề xuất thuyết phục. Đề tài chất lượng tốt.

Đề tài đã phân tích luận giải, đánh giá bao quát đặc điểm PCTN chung của các tổ chức chính trị - xã hội và đã phân tích các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ tổ chức chính trị - xã hội gắn liền với một số đặc thù về cơ cấu, tổ chức, cơ chế quản lý tài chính.

Đề tài cũng đã phân tích các nguy cơ chính phát sinh tham nhũng trong tổ chức chính trị - xã hội và tổng hợp khái lược được một số dạng hành vi có dấu hiệu tham nhũng chủ yếu trong các tổ chức này.

Phần đánh giá thực trạng PCTN trong các tổ chức chính trị - xã hội, đề tài đã phân tích được tình hình, nguy cơ tham nhũng trong các tổ chức chính trị xã hội gắn với các nhóm nhận dạng hành vi phần lý luận.

Với kết quả nghiên cứu đó, Hội đồng Nghiệm thu đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Thái Hải