Hiện nay, tình hình tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động cạnh tranh lành mạnh, đến môi trường đầu tư, kinh doanh, làm giảm hiệu quả công tác PCTN khu vực Nhà nước như: Tình trạng đưa, nhận hối lộ để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh; thiếu minh bạch trong tổ chức và hoạt động; chưa rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức xã hội… Trong đó, doanh nghiệp vừa là “nạn nhân” vừa là “tác nhân”.

Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức này có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và cũng là chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động đóng góp của nhân dân, các thành viên và hội viên.

“Do vậy, tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước không những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan  Nhà nước, cũng như hiệu quả PCTN của khu vực công” , ThS Hà nhấn mạnh.

Mặt khác, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế và đòi hỏi của công tác đấu tranh PCTN, để bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh PCTN trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và ngày 1/7/2019 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018.

Luật và nghị định hướng dẫn thi hành đã ban hành, bổ sung các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với doanh nghiệp và các tổ chức ngoài Nhà nước (công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội).

 Doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức.

Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Như vậy, việc ban hành luật và nghị định hướng dẫn đã tạo ra hành lang pháp lý mới cho công tác PCTN trong doanh nghiệp và các tổ chức ngoài Nhà nước.

Mặc dù Luật PCTN đã định vị vai trò của khu vực ngoài Nhà nước, xác định cụ thể những hành vi tham nhũng và đề ra những biện pháp để phòng ngừa, tuy nhiên, những quy định mới còn có một số điểm cần giải quyết thấu đáo, triệt để và thống nhất hơn nữa.

Luật và nghị định hướng dẫn mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các quy định có tính chất ngăn chặn một số hành vi tham nhũng mà chưa có các quy định cụ thể để xử lý tất cả các loại hành vi tham nhũng ngay trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; chỉ quy định chung cho các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước “có trách nhiệm” áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, có quyền “phản ánh và phối hợp” mà chưa quy định cụ thể và chưa thực sự nhấn mạnh rõ cơ chế thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp cụ thể gồm những gì; chưa có quy định rõ ràng về hình thức, quyền và nghĩa vụ khi phản ánh và phối hợp. Điều này phần nào làm giảm đi tính chủ động, và chưa phát huy được hết vai trò tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong công tác PCTN.

Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp được coi là một trong các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, luật và nghị định hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về việc cần thiết phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử và quy chế kiểm soát nội bộ; việc thiết lập bộ phận Kiểm soát nội bộ chưa phải là yêu cầu bắt buộc trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước;

Ngoài ra, mặc dù Luật PCTN năm 2018 đã ghi nhận quyền “cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng” của các doanh nghiệp, tổ chức nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể để xây dựng chương trình PCTN cụ thể để triển khai trên thực tế nhằm thể hiện cam kết của các doanh nghiệp, tổ chức này với các cơ quan Nhà nước cũng như các doanh nghiệp đối tác.

Những vấn đề này đòi hỏi cần có những luận giải kỹ lưỡng về mặt lý luận, cần phải cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, để từ đó phát huy hiệu quả công tác PCTN trong các doanh nghiệp, tổ chức này.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo Luật PCTN năm 2018” là cần thiết để làm rõ những vấn đề lý luận về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo Luật PCTN năm 2018; đánh giá quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng nhằm thấy được những hạn chế, vướng mắc, những đòi hỏi mới đặt ra, từ đó, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Đề tài gồm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung về tham nhũng và  PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Chương 2: Thực trạng PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu quả PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Góp ý tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT Cung Phi Hùng cho rằng, đề tài đã tương đối hoàn chỉnh, các giải pháp đưa ra có tính khả thi.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng về mục tiêu chung cần sửa lại về việc hoàn thiện pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; vì là đề tài mới nên ban chủ nhiệm cần đề xuất luôn các giải pháp.

Tại chương 1: Cần phải đưa ra khái niệm cơ bản về PCTN; doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước là gì;..

Chương 2: Tương đối đầy đủ các nội dung. Tuy nhiên về phần 2.2.1, cần bỏ chữ “thực trạng thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước” và thay bằng “thực trạng hoạt động…”. Sau đó sang phần đánh giá về thực hiện trạng thực hiện.

Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT Phạm Thị Thu Hiền đánh giá cao về kết quả nghiên cứu đề tài. Tuy nhiên, theo bà Hiền tại Chương 1, đề tài chưa làm rõ vấn đề tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, cần làm rõ tổ chức khu vực ngoài Nhà nước là tổ chức nào; mục 1.1.2 nhận diện về tham nhũng trong doanh nghiệp, tố chức khu vực ngoài Nhà nước chưa rõ.

Tại Chương 2, các số liệu về thực trạng khá phong phú, tuy nhiên việc đánh giá thực trạng vẫn chưa cụ thể, đề tài nên cân nhắc lại việc đánh giá thực trạng, tránh chung chung, dàn trải…

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, ban chủ nhiệm đề tài cần giải thích cụ thể các  nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo Luật PCTN năm 2018; cần phâm tích sâu hơn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Về phần thực trạng, theo TS Khanh cũng cần làm rõ tổ chức tin dụng là gì? Công ty đại chúng là gì? Đề tài cần khái quát lại,trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp thực hiện và cần sắp xếp lại các đầu mục theo thứ tự.

 

Thái Hải